Xiaomi và 10 sự thật thú vị ít người biết

Xiaomi và 10 sự thật thú vị ít người biết

07-03-2021 Lượt xem: 2,639

Xiaomi, gã khổng lồ trong lĩnh vực điện thoại thông minh, ứng dụng di động, máy tính xách tay, thiết bị điện tử tiêu dùng và nhiều sản phẩm khác, được thành lập vào năm 2010 bởi nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Lei Jun cùng 6 đối tác khác. Sau hơn 10 năm dấn thân vào thị trường công nghệ, Xiaomi từ một tổ chức phi thực thể đã xuất sắc vươn lên top 3 thương hiệu điện thoại hàng đầu trên thế giới. 

Dưới đây là 10 sự thật thú vị hiếm người biết về thương hiệu Trung Quốc này!

1. 7 Thành viên sáng lập đều là dân công nghệ

Các thành viên sáng lập đều là những người đam mê công nghệ và từng có kinh nghiệm làm việc tại các công ty lớn như Google, Motorola và Kingsoft. Nhà sáng lập kiêm CEO Lei Jun từng đảm nhận các vị trí lãnh đạo tại UCWeb và Kingsoft, thậm chí ông còn từng là chủ sở hữu của một số cửa hàng trực tuyến được Amazon săn đón.

2. Ngọn lửa cảm hứng đến từ sách

Điều gì đã truyền cảm hứng cho Lei Jun, thôi thúc ông đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và gắn bó với Xiaomi? Trong một bài phỏng vấn với The New York Times năm 2013, vị CEO được mệnh danh là Steve Jobs của Trung Quốc này cho biết “Tôi bị ảnh hưởng rất nhiều bởi Fire in the Valley (Cuốn sách ông đọc tại trường Wuhan University vào năm 1987). Sau khi đọc cuốn sách này, tôi mong muốn ‘Thành lập một công ty hạng nhất’”. Tại thời điểm đó, điều này nghe có vẻ giống như một nhiệm vụ bất khả thi; tuy nhiên, tính đến năm 2020, Xiaomi đã vươn lên vị trí thứ 3 trong lĩnh vực smartphone, xếp sau 2 gã khổng lồ có nền móng lâu đời hơn là Apple và Samsung.

3. Xiaomi là hạt gạo, nhiệm vụ bất khả thi hay một trái tim

Bản thân từ “Xiaomi” có nghĩa là hạt kê/hạt gạo, cả 2 đều là loại thực phẩm thiết yếu tại Trung Quốc. Việc lựa chọn cái tên này thể hiện khát vọng biến một điều nhỏ nhoi trở thành một thứ gì đó lớn lao, quan trọng và không thể bị thay thế. Và tất nhiên, cho đến thời điểm này, mong muốn của công ty đã hoàn toàn trở thành sự thật.

Bên cạnh đó, “Mi” còn là viết tắt của Mobile Internet – Internet di động, điều không thể thiếu trong thời đại công nghệ 4.0. Đồng thời, “Mi” cũng là viết tắt của Mission Impossible – Nhiệm vụ bất khả thi, đề cập đến những thách thức ban đầu mà công ty gặp phải.

Ngoài ra, khi lật ngược logo của Xiaomi, hình ảnh này trông khá giống với từ trái tim trong tiếng Trung (心).

4. Sản phẩm đầu tiên của Xiaomi không phải là điện thoại

Hiện tại, Xiaomi được biết đến với các sản phẩm phần cứng như điện thoại, TV, vòng tay thể thao,… Nhưng sản phẩm đầu tiên của hãng lại là một giao diện phần mềm.

Ngày 16 tháng 8 năm 2010, Xiaomi ra mắt giao diện người dùng đầu tiên trên Android có tên là MIUI. Gần một năm sau đó, hãng mới chính thức cho lên kệ thiết bị phần cứng đầu tiên – Xiaomi Mi 1.

5. Linh vật Mitu của Xiaomi là một chú thỏ

Linh vật của Xiaomi là một chú thỏ có tên là Mitu. Mitu đội một chiếc mũ lông có hai vạt bên tai được gọi là Ushanka, có hoặc không có biểu tượng Mi, ngôi sao đỏ và quấn một chiếc khăn đỏ ở cổ.

Mitu được biến đến và rất phổ biến trên khắp thế giới. Đặc biệt, từng có một công ty đối thủ lợi dụng độ nhận diện của Mitu và phát hành video mô tả một con thỏ đang phát điên. Tuy nhiên, chiến dịch cạnh tranh này không “hề hấn” gì với Xiaomi.

6. Xiaomi - Lớn mạnh nhờ Mi Fan

Một trong những động cơ thúc đẩy sự lớn mạnh của Xiaomi chính là cộng đồng tín đồ Mi Fans. Hãng có hàng nghìn người hâm mộ hay còn gọi là các Mi Fans, họ không chỉ là những người hâm mộ bình thường mà còn là những người luôn tham gia tích cực vào các hoạt động thử nghiệm, ra mắt sản phẩm mới và các sự kiện khác của hãng.

Minh chứng cụ thể nhất là khi thương hiệu này mời hơn một nghìn fan tham gia đóng góp phản hồi trước khi ra mắt chiếc flagship thứ hai có tên là Mi 2 của mình. Sau khảo sát này, rất nhiều đề xuất và khiếu nại được gửi đến, nổi bật nhất trong số đó là đề nghị cung cấp hướng dẫn gắn sim và khe sim (vấn đề gây khó khăn trên M1). Và ngay lập tức sau đó, Xiaomi đã bổ sung thêm hướng dẫn này trên sản phẩm mới.

7. Xiaomi – Apple của Trung Quốc

Xiaomi thường được so sánh với Apple vì sự tương đồng trong thiết kế phần cứng, phần mềm và thậm chí là cả cách tiếp cận người dùng. Steve Wozniak, một trong số các nhà đồng sáng lập của Apple từng dành những lời bình luận “có cánh” cho Xiaomi. Năm 2014, Wozniak nhận định rằng Xiaomi có những sản phẩm tuyệt vời và đủ tốt để “phá vỡ” thị trường Mỹ. Đồng thời, cũng tại thời điểm này, có một số nguồn tin cho rằng ông đang sử dụng chiếc Mi 3 của Xiaomi.

8. Xiaomi từng đạt kỷ lục Guiness thế giới

Một trong những thị trường quan trọng nhất của Xiaomi hiện nay là Ấn Độ, thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới. Xiaomi ra mắt lần đầu tiên tại Ấn Độ vào năm 2014 và hãng đã không đặt quá nhiều kỳ vọng vào thị trường này. Bởi lẽ Ấn Độ là thị trường có rất ít người mua điện thoại trực tuyến (hình thức kinh doanh ban đầu của Xiaomi). Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Xiaomi đã bán được 2,1 triệu chiếc điện thoại chỉ trong 1 ngày, phá vỡ kỷ lục Guiness thế giới.

Manu Jain, đại diện của Xiaomi Ấn Độ chia sẻ rằng “Sẽ là một tin đáng mừng nếu Xiaomi bán được mười nghìn chiếc điện thoại tại Ấn Độ”. Tính tới năm 2020, Xiaomi đã trở thành thương hiệu smartphone số một tại quốc gia này và đạt doanh số hơn 40 triệu chiếc, bỏ xa mức kỳ vọng ban đầu.

9. Lei Jun không còn muốn được gọi là Steve Jobs của Trung Quốc

Xiaomi thường xuyên được so sánh với Apple và đó cũng chính là lý do hai vị CEO cũng thường được so sánh với nhau. Lei Jun chia sẻ rằng ông có những cảm xúc lẫn lộn khi được gọi là Steve Jobs của Xiaomi “Tôi rất tự hào khi được gọi là Steve của Trung Quốc vào năm 20 tuổi; tuy nhiên, đó không phải là cảm xúc của tôi ngay tại thời điểm nay, tôi không muốn trở thành phiên bản thứ 2 của bất kỳ ai”.

Nhận định của vị CEO này về Steve Jobs cũng khá phức tạp. Ông từng cho rằng “Steve đã làm mù thế giới của tôi bằng ánh sáng hào quang của ông ấy” nhưng cũng nói thêm rằng “Chúng ta vẫn nên sống trong một thế giới nhiều màu sắc hơn”.

10. Chú chó may mắn Wang Cai

Một câu chuyện giản dị nhưng được khá nhiều người quan tâm khi nhắc đến Xiaomi liên quan đến một chú chó… Trong quá trình trụ sở chính của công ty được xây dựng và hoàn thành tại Bắc Kinh, một chú chó hoang đã liên tục đi lang thang trong khu vực này. Sau khi tòa nhà đi vào hoạt động, chú chó hoang này đã được nhận nuôi, có tên mới là Wang Cai, được các nhân viên thay nhau chăm sóc, cho đi spa và thậm chí còn có thẻ nhân viên riêng với chức danh là Moremoney.

Theo dõi mục Tin Tức của SurfacePro.vn để cập nhật những tin tức mới nhất về công nghệ! 

Bài viết liên quan


0915.111111

Chỉ đường

Chat FB

Chat Zalo

0915.111111