Chọn được một chiếc PC phù hợp với nhu cầu không phải là việc dễ dàng, đặc biệt là khi xem xét đến các công nghệ khả dụng trên máy. Vậy nếu đang không biết công nghệ Intel vPro mà các nhà sản xuất thường đề cập là gì và không rõ liệu mình có cần đến một PC sử dụng công nghệ đó hay không, hi vọng bài viết này sẽ đem đến cho bạn câu trả lời hữu ích.
1. Intel vPro là gì?
Intel thành lập năm 1968, nhưng thương hiệu vPro của nó chỉ mới xuất hiện trên thị trường vào năm 2007.
Nền tảng Intel vPro (hay công nghệ Intel vPro) là tập hợp của nhiều chức năng tích hợp bên trong bo mạch chủ và phần cứng của PC. Nói một cách đơn giản, Intel vPro không phải là một PC và cũng không phải là một công cụ quản trị đơn lẻ, Intel vPro là sự kết hợp giữa nhiều công nghệ xử lý, những cải tiến phần cứng, các công cụ quản lý và nhiều công nghệ bảo mật khác nhau, cho phép tiếp cận, giám sát, bảo trì và quản lý PC từ xa.
Mục đích của công nghệ Intel vPro là giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc quản lý, duy trì và tăng khả năng bảo mật cho hệ thống, nhưng vẫn tối giản chi phí CNTT. Vì vậy, Intel vPro thường là tiêu chí cần có mà các doanh nghiệp quan tâm. Trong khi đó, nếu đang tìm một chiếc máy tính cá nhân, người dùng hoàn toàn có thể bỏ qua tiêu chí này.
Để xác định một máy tính gắn nhãn vPro, hai yêu cầu tối thiểu mà Intel đề ra đó là PC phải chạy chip Intel Core hoặc Intel Xeon, và khả dụng với Windows 10/11 Pro hoặc Windows 10/11 Enterprise.
2. Intel vPro trên CPU Intel Gen 12th là gì?
Intel Gen 12th đang là bộ xử lý hiện đại nhất của Intel, được giới thiệu vào cuối năm ngoái. Trên Intel Gen 12th, Intel vPro không chỉ có duy nhất một nền tảng mà có đến 4 nền tảng khác nhau, sự thay đổi này là cách Intel thích ứng với nhu cầu làm việc từ xa đang dần phổ biến của nhiều doanh nghiệp.
4 Nền tảng vPro mới của Intel gồm có
- Intel vPro Enterprise cho Windows là nền tảng tiêu chuẩn hỗ trợ tất cả các tính năng phổ thông của vPro, giúp đảm bảo sự an toàn cho doanh nghiệp trước các nguy cơ về an ninh, hướng đến doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp cần sử dụng công cụ quản lý và bảo mật hiện đại để mở rộng quy mô.
- Intel vPro Essentials sở hữu các tính năng bảo mật và công cụ quản lý được thiết kế hướng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nó cũng được tích hợp sẵn Intel Hardware Shield và hỗ trợ Intel Standard Manageability.
- Intel vPro Enterprise dành cho trình duyệt Chrome được xây dựng nhằm nâng cấp hiệu suất, độ ổn định và khả năng bảo mật của các dòng chromebook thế hệ mới.
- Intel vPro, An Evo Design hướng đến các thiết bị đáp ứng đồng thời cả hai tiêu chí gồm Intel vPro và Intel Evo, mang đến trải nghiệm kết hợp giữa sức mạnh, tính ổn định, khả năng bảo mật và quản lý từ xa.
Tuy nhiên, không phải máy tính nào chạy CPU Intel Gen 12th (dòng Alder Lake) cũng được gắn nhãn Pro. Dưới đây là các model hỗ trợ
So với các CPU được gắn nhãn vPro thế hệ tiền nhiệm, Intel cho biết hiệu năng của vPro dành cho thiết bị di động và máy tính để bàn đều được cải thiện đáng kể nhờ những tiến bộ có trên Alder Lake. Theo đó, chip di động Core i7 28W được quảng cáo là nhanh hơn tới 27% so với chip Gen 11th tương tự trong CrossMark, và cũng nhanh hơn tới 41% so với Ryzen 7 Pro 5850U của AMD trong cùng bài một bài test. Trong khi đó, với chip desktop, Intel tuyên bố CPU Core i9 thế hệ thứ 12 65W nhanh hơn 21% so với Intel Gen 11th và nhanh hơn tới 44% so với AMD Ryzen 7 5700G trong CrossMark.
3. Bạn có cần Intel vPro trên PC của mình không?
Thông thường, các PC đạt chuẩn Intel vPro luôn có giá cao hơn so với các PC cấu hình tương tự nhưng không hỗ trợ Intel vPro. Do đó, như đã đề cập ở trên, nếu là người dùng bình thường và đang cần tìm một chiếc máy tính để phục vụ cho các mục đích cá nhân như học tập, duyệt web, giải trí,… thì rõ ràng việc trả thêm tiền cho vPro sẽ rất lãng phí.
Một trường hợp khác, nếu đang cần tìm một chiếc máy tính để làm việc nhưng công ty của bạn không yêu cầu phải sử dụng máy có nền tảng vPro, thì việc chi thêm tiền cho nền tảng này cũng hoàn toàn không hợp lý.
Hay nói cách khác, máy tính có hỗ trợ vPro thường phù hợp với các doanh nghiệp. Trong khi đó, người dùng thông thường hoàn toàn có thể bỏ qua tiêu chí này khi chọn mua máy mới để tiết kiệm chi phí.
Cũng vì nguyên do đó mà nhiều nhà sản xuất hiện nay đều cung cấp các mẫu máy có vPro và không có vPro để không bỏ sót bất kỳ một phân khúc người dùng nào, đơn cử như dòng ThinkPad X1 Carbon của Lenovo.
Cuối cùng, việc lo ngại về vấn đề bảo mật của các máy tính không hỗ trợ vPro cũng không cần thiết vì dù không có vPro, nhiều dòng máy tính cá nhân trên thị trường vẫn cung cấp hàng loạt các phương thức bảo mật khác, cụ thể như đăng nhập bằng nhận diện khuôn mặt, cảm biến vân tay trên nút nguồn,…
Theo dõi mục Tin Tức của SurfacePro.vn để cập nhật những tin tức mới nhất về công nghệ!
Bài viết liên quan
- Microsoft dừng hỗ trợ Windows 10 21H1, khai tử Windows 7 và Windows 8.1 (16.12.2022)
- Samsung Galaxy S23 có tính năng SOS vệ tinh giống iPhone 14 (28.11.2022)
- Hàng trăm iPhone bị tịch thu do không bán kèm sạc (26.11.2022)
- Apple chi gần 7 tỷ USD để mua lại Manchester United? (25.11.2022)
- iCloud trên Windows dính lỗi bí ẩn, cảnh báo nên cân nhắc khi tải xuống (23.11.2022)