5 Sản phẩm và dịch vụ bị Microsoft khai tử trong năm 2021

5 Sản phẩm và dịch vụ bị Microsoft khai tử trong năm 2021

04-01-2022 Lượt xem: 2,239

Danh mục các sản phẩm và dịch vụ của Microsoft đã được mở rộng hơn bao giờ hết trong năm 2021, chứng kiến sự ra đời của Windows 11 với nhiều cải tiến cùng hàng loạt các sản phẩm phần cứng Surface ấn tượng. Tuy nhiên, ông lớn này cũng đã chấm dứt vòng đời của một số sản phẩm và dịch vụ được cho là ít thành công hơn, bao gồm Windows 10X, Surface Neo, Skype (bản doanh nghiệp),…

Dưới đây là chi tiết về 5 sản phẩm và dịch vụ đã bị ông chủ Redmond khai tử trong năm 2021 vừa qua.

1. Hệ điều hành Windows 10X

Windows 10X từng được giới thiệu như một phiên bản Windows tối giản hướng đến các dòng PC thế hệ mới. Hệ điều hành này được xây dựng dựa trên Windows Core OS, tập trung cải thiện trải nghiệm người dùng và nâng cấp khả năng bảo mật là chính. Windows 10X cũng từng có sẵn trong chương trình thử nghiệm nội bộ Windows Insider nhưng Microsoft đã bất ngờ thông báo khai tử nó vào tháng 5 năm 2021.

Đại diện của hãng cho biết “Thay vì giới thiệu Windows 10X ra thị trường trong năm 2021 như kế hoạch ban đầu, chúng tôi đang đẩy nhanh việc tích hợp nhiều công nghệ có trên 10X vào các thành phần khác của Windows cũng như những sản phẩm quan trọng hơn của công ty…”

Thực tế cho thấy rất nhiều tính năng từng được giới thiệu trên Windows 10X đã xuất hiện trên Windows 11 mới, bao gồm những thay đổi đối với Start Menu, Taskbar, Action Center, bàn phím cảm ứng, nhập liệu bằng giọng và nhiều tính năng khác.

Cùng với đó, sự kết thúc của Windows 10X cũng đặt dấu chấm hết cho Surface Neo vì trước đó Microsoft đã xác nhận rằng tablet hai màn hình này sẽ chạy hệ điều hành 10X khi xuất xưởng. Mặc dù vẫn có khả năng Surface Neo được trình làng đi kèm với Windows 11 nhưng Windows Central khẳng định xác suất lên kệ của thiết bị này là rất thấp.

2. Tựa game Minecraft Earth

Là một phần của Minecraft series, Minecraft Earth được giới thiệu vào năm 2019 đã mang đến cho người dùng trải nghiệm chơi game thực tế tăng cường (AR) hơn cả mong đợi trên các thiết bị iOS và Android. Tuy nhiên, bên cạnh giao diện và một số chế độ được đánh giá cao, Minecraft Earth cũng phải đối mặt với những chỉ trích xoay quanh các giao dịch và giới hạn thời gian trên một số thao tác nhất định.

Do đó, đầu năm 2021, Microsoft đã đánh tiếng về việc khai tử Minecraft Earth và chính thức ngừng hỗ trợ tựa game này vào ngày 30 tháng 6 cùng năm.

Có thể nói Minecraft Earth là tựa game di động có tuổi đời ngắn ngủi nhất của Microsoft. Song, từ thất bại của Minecraft Earth, ông lớn này cũng đã rút ra nhiều bài học lớn cho Minecraft series.

3. Trình duyệt Legacy Edge

Microsoft đã chính thức thay thế Legacy Edge sau 5 năm hoạt động bằng Microsoft Edge mới trong bản cập nhật Windows 10 tháng 4 năm 2021. Được biết, phiên bản Edge mới (dựa trên nền tảng Chromium) ra mắt vào năm 2020 nhưng Microsoft đã dành ra một khoảng thời gian khá dài để người dùng kịp thời thích nghi trước khi ngừng hỗ trợ Legacy Edge cũ hơn.

Đây được xem là một bước đi đúng đắn của Microsoft bởi Edge Chromium mới đã nhận lại nhiều bình luận tích cực hơn so với Legacy Edge. Trong đó, nổi bật nhất là việc Edge Chromium có khả năng tương thích tốt với nhiều trang web và hỗ trợ một loạt tiện ích mở rộng hữu ích. Đồng thời, ông chủ Windows cũng thường xuyên bổ sung cho Edge Chromium những tính năng mới nhằm nâng cấp trải nghiệm sử dụng.

Tuy nhiên, mặc dù Edge mới hoạt động tốt và lọt top những ứng dụng Windows tốt nhất nhưng cũng vướng phải nhiều tranh cãi, đặc biệt là việc Microsoft cố tình đặt Edge làm trình duyệt mặc định trên Windows 11 hay việc máy tính Windows 11 chỉ có thể mở một số đường link nhất định bằng Edge,…

4. Tính năng đồng bộ dòng thời gian trên Windows

Tính năng dòng thời gian (timeline) trên Windows về mặt kỹ thuật vẫn còn tồn tại, nhưng Microsoft đã lược giản chức năng cốt lõi của nó. Cụ thể, timeline đã bị loại bỏ khả năng đồng bộ giữa các thiết bị kể từ tháng 7 năm 2021 (hiện chỉ còn khả dụng với tài khoản Azure Active Directory).

Nguyên nhân của việc ngừng hỗ trợ tính năng đồng bộ được cho là xuất phát từ việc Microsoft khai tử trợ lý ảo Cortana trên nền tảng Android và iOS trước đó, bởi tính năng đồng bộ yêu cầu phải truy cập vào Cortana trên một số thiết bị.

5. Phiên bản Skype doanh nghiệp

Microsoft đã thông báo về lộ trình ngừng hỗ trợ Phiên bản Skype doanh nghiệp vào năm 2019 và chính thức khai tử vào ngày 31 tháng 7 năm 2021. Đây được xem là một nỗ lực của hãng nhằm điều hướng người dùng doanh nghiệp sang ứng dụng hội họp trực tuyến Microsoft Teams mới hơn.

Trên đây là những sản phẩm và dịch vụ đã bị Microsoft khai tử trong năm 2021. Để xem danh sách các sản phẩm và dịch vụ mà gã khổng lồ công nghệ này ngừng triển khai từ năm 1995 cho đến nay, người dùng có thể tham khảo chi tiết tại https://killedbymicrosoft.info/.

Bài viết liên quan


0915.111111

Chỉ đường

Chat FB

Chat Zalo

0915.111111