Tại hội nghị lập trình viên thường niên WWDC 2022 diễn ra vào rạng sáng hôm nay (07/6), Apple đã công bố nhiều thay đổi thú vị cho hệ sinh thái “Táo” với iOS 16, MacOS Ventura, iPadOS 16, WatchOS 9, bộ xử lý M2 và đặc biệt là bộ đôi MacBook Air, MacBook Pro mới.
Dưới đây là toàn bộ những thông báo quan trọng trong sự kiện lớn nhất nhì năm của nhà sản xuất iPhone.
1. iOS 16
Như thường lệ, WWDC năm nay cũng khởi động với màn lộ diện của iOS 16. Apple cho biết phiên bản hệ điều hành di động mới nhất của hãng sẽ chính thức được phát hành vào mùa thu năm nay, trong khi các bản beta sẽ có sẵn vào mùa hè này.
Những thay đổi được Apple nhấn mạnh là sẽ làm nên sự thành công của iOS 16 gồm khả năng tùy biến màn hình khóa, biểu ngữ thông báo được tái thiết kế, ứng dụng tin nhắn an toàn hơn, tính năng chia sẻ thư viện ảnh trên iCloud, ngoài ra còn có một vài sự đổi mới nho nhỏ khác.
Cụ thể hơn, với tính năng tùy biến màn hình khóa, iOS 16 cho phép thay đổi phông chữ, màu sắc, thêm widget và chuyển đổi giữa các màn hình khóa khác nhau bằng cách vuốt qua màn hình. Bộ hình nền do Apple cung cấp cũng đang được làm mới bằng nhiều hoạt ảnh và Pride-theme.
Biểu ngữ thông báo trên màn hình khóa của iOS 16 cũng có sự thay đổi. Thay vì xếp chồng lên nhau như trước đây, các thông báo sẽ được thiết kế cuộn vào ở cuối màn hình. Ngoài ra còn có thêm một ô “hoạt động trực tiếp” có nhiệm vụ hiển thị thông báo về một sự kiện đang diễn ra, chẳng hạn như chuyến xe Uber đang khởi hành.
Đối với ứng dụng tin nhắn, iOS 16 bổ sung tính năng sửa lỗi chính tả hoặc thu hồi tin đã gửi, đánh dấu các tin nhắn chưa đọc để quay lại đọc sau và bổ sung SharePlay.
Không dừng lại ở đó, nhà Táo còn giới thiệu một tính năng hoàn toàn mới có tên gọi "Safety Check" (tam dịch là Kiểm tra an toàn) giúp bảo vệ người dùng trong tình huống bị bắt nạt hoặc bị lạm dụng. Tính năng này cho phép thu hồi quyền truy cập vào một số thông tin cá nhân (bao gồm vị trí, mật khẩu,…) mà họ từng chia sẻ với người khác trước đây.
Apple cũng cho phép người dùng chia sẻ các thư viện ảnh trên iCloud, giúp dễ dàng chia sẻ hình ảnh cho người thân hoặc bạn bè. Tối đa 6 người dùng có thể truy cập vào chung một thư viện ảnh được chia sẻ.
Tính năng Live Text được iFans yêu thích cũng được xác nhận là sẽ sớm khả dụng trên cả video. Apple Wallet cũng có một số tính năng mở rộng, chẳng hạn như chia sẻ ID đã lưu an toàn hơn bằng cách chỉ cung cấp các thông tin cần thiết. Apple Pay có tính năng “Mua trước, trả sau” cho phép chia hóa đơn thành bốn khoản thanh toán trả góp mà không bị tính lãi suất.
2. Bộ xử lý M2
Sau rất nhiều đồn đoán, Apple cuối cùng cũng đã chính thức trình làng chip silicon thế hệ mới nhất do hãng tự phát triển, lấy tên gọi là M2. Đây là con chip M-series thứ năm có mặt trên thị trường, các thế hệ tiền nhiệm gồm M1, M1 Pro, M1 Max và M1 Ultra.
Giống như phiên bản chip M1 đầu tiên, M2 vẫn sử dụng kiến trúc tùy chỉnh ARM, được xây dựng trên tiến trình 5nm với hơn 20 tỷ bóng bán dẫn, nhiều hơn 25% so với chip M1 ban đầu. Việc tăng số lượng bóng bán dẫn được xác nhận sẽ giúp chip M2 nhanh hơn 18% và có khả năng xử lý đồ họa mạnh hơn 35% so với M1.
Song song với đó, Apple cũng không ngần ngại tuyên bố rằng M2 sẽ nhanh hơn gấp 1.9 lần so với "chip máy tính xách tay 10 lõi thế hệ mới nhất". Để có được hiệu suất tốt hơn M1, gã khổng lồ công nghệ này cho biết họ đã kết hợp lõi hiệu suất cao và lõi tiết kiệm năng lượng trên con chip mới của mình, tăng dung lượng bộ nhớ đệm và tăng băng thông bộ nhớ lên 100Gbps.
Đối với khả năng xử lý đồ họa, chip M-series mới nhất xuất xưởng với 10 lõi GPU, tăng thêm 2 lõi so với M1. Bộ nhớ đệm và băng thông xử lý đồ họa cũng được nâng lên, Apple hứa hẹn lần đổi mới này sẽ giúp M2 có khả năng xử lý đồ hoạ tốt hơn 35% so với thế hệ chip M1 gốc.
Ngoài ra, M2 còn được trang bị Neural Engine và công cụ mã hóa bảo mật thế hệ mới nhất, kèm theo đó là công cụ đa phương tiện hỗ trợ video 8K H.264 và HEVC. Trên thực tế, điều này có nghĩa là các thiết bị chạy chip M2 sẽ có thể phát đồng thời nhiều luồng video 4K và 8K.
3. MacBook Air M2
Cùng với M2, Apple cũng trình làng hai dòng thiết bị đầu tiên xuất xưởng với vi xử lý thế hệ tiếp theo này. Trong đó, MacBook Air M2 (2022) dự kiến có hàng vào tháng 7 sắp tới có giá niêm yết tại hãng là $1199 cho cấu hình cơ bản, và lên đến $1499 cho cấu hình cao nhất. Tuy nhiên, website của Apple hiện chưa cho phép pre-order dòng sản phẩm này.
Về cấu hình, MacBook Air M2 có RAM từ 8 đến 24GB, SSD tối đa 2TB, chip M2 cung cấp năng lượng sở hữu GPU 8 lõi. Apple nhận định MacBook Air của năm nay sẽ nhanh hơn 40% so với thế hệ tiền nhiệm, nhưng cũng không quên nói rằng mức hiệu suất vẫn có thể thay đổi tùy thuộc vào từng ứng dụng.
Trong khi đó, thiết kế của dòng thiết bị này khiến người ta liên tưởng đến Macbook Pro bởi kiểu dáng vuông vức hơn thế hệ cũ, đồng thời có viền bezel mỏng và màn hình 13.6 inch (2560x1664). Tất nhiên, thiết bị vẫn duy trì ở độ mỏng hấp dẫn là 11mm và trọng lượng xấp xỉ 1.22kg.
Hệ thống cổng kết nối được trang bị bao gồm 2 cổng kết nối Thunderbolt USB 4, giắc âm thanh 3.5mm và hỗ trợ sạc Magsafe, nhưng không bao gồm đầu đọc thẻ nhớ.
Các thông số chính còn lại bao gồm webcam 1080p, loa ngoài hỗ trợ Dolby Atmos, cảm biến vân tay Touch ID, bộ sạc 30 hoặc 35W tùy cấu hình và 4 biến thể màu sắc (silver, space gray, starlight gold, midnight).
4. MacBook Pro M2
Cái tên tiếp theo ra mắt với chip M-series mới nhất là MacBook Pro M2 (13 inch). Tuy nhiên, phiên bản này không để lại nhiều ấn tượng như dòng Air vừa được đề cập bên trên.
Cụ thể, MacBook Pro M2 không có sự thay đổi về thiết kế, thay vào đó Apple chỉ thay thế nội thất bên trong bằng dòng vi xử lý mới. Chip M2 cung cấp năng lượng cho thiết bị có CPU 8 lõi và GPU 10 lõi, hỗ trợ RAM lên đến 24GB và bộ nhớ tối đa 2TB, hứa hẹn cho thời lượng pin lên đến 20 giờ.
Đối với thiết kế, MacBook Pro M2 gợi nhớ đến MacBook Pro 2016 với màn hình 13.3 inch, viền dày, Touch Bar và chỉ có 2 cổng USB-C Thunderbolt, không có MagSafe và HDMI.
Người dùng quan tâm đến MacBook Pro M2 có thể đặt hàng trước tại website của Apple ngay từ hôm nay. Sản phẩm này sẽ có hàng ngay trong tháng sau với giá tại hãng từ $1299.
5. MacOS Ventura
Phiên bản MacOS thế hệ tiếp theo có tên MacOS Ventura được giới thiệu với điểm nhấn là công cụ đa nhiệm cải tiến Stage Manager cùng nhiều cập nhật mới cho Spotlight, Mail, Safari và những nâng cấp khác giúp mang hệ điều hành này đến gần hơn với iOS.
Trong đó, công cụ Stage Manager được bật từ Control Center cho phép sắp xếp các ứng dụng chạy nền vào góc trái màn hình và tự động căn giữa cửa sổ đang mở ở trung tâm màn hình, thay đổi này giúp người dùng dễ dàng theo dõi mọi ứng dụng khi làm việc đa nhiệm. Đồng thời, người dùng cũng có thể chuyển nhanh các ứng dụng bằng cách kéo thả icon.
Hệ điều hành mới cũng đem đến cho Spotlight một số cập nhật. Giờ đây, ứng dụng này đã có thể tìm kiếm hình ảnh trong thư viện thông qua văn bản, vị trí, người, thậm chí là đồ vật nhờ Live Text.
Với ứng dụng Mail, MacOS Ventura bổ sung tính năng xem trước, đề xuất và sửa lỗi chính tả. Hơn nữa, người dùng còn có thể lên lịch gửi hoặc thu hồi mail, đặt lời nhắc để phản hồi mai,… ngay trong ứng dụng.
Trình duyệt web Safari cũng trở nên thú vị hơn với tính năng nhóm tab mới, cho phép người dùng xem những tab mà bạn bè họ đang xem trong thời gian thực, ngoài ra còn hỗ trợ Passkeys giúp đăng nhập không mật khẩu trên các trang web khác nhau.
Tương tự iOS 16, iMessages trên MacOS Ventura cũng được bổ sung tính năng chỉnh sửa hoặc thu hồi tin nhắn đã gửi, đánh dấu chưa đọc để xem lại sau và khôi phục lại tin nhắn đã xóa.
Hơn nữa, nhằm rút ngắn khoảng cách giữa MacOS và iOS, Apple đưa lên MacOS mới tính năng Hand-off giúp người dùng chuyển tiếp cuộc gọi từ iPhone hoặc iPad sang máy Mac chỉ bằng một cú nhấp chuột nếu các thiết bị ở gần nhau. Nhà sản xuất iPhone cũng cập nhật tính năng biến iPhone thành một webcam cho máy Mac, theo kế hoạch tính năng này sẽ khả dụng trên mọi ứng dụng bên thứ ba chứ chỉ không dành riêng cho FaceTime.
Ngoài ra còn có một số tính năng mới khác như khả năng nhận dạng trong Visual Look Up, Weather và Clock; các công cụ trợ năng gồm Live Caption cho tất các các nội dung có âm thanh và nhập để nói trong các cuộc gọi; ứng dụng System Preferences tái thiết kế có tên gọi mới System Settings; các công cụ bảo mật mới,…
6. iPadOS 16
Cùng với iOS 16 và MacOS Ventura, iPad OS 16 cũng là một bản cập nhật không thể thiếu của năm nay. Về cơ bản, có thể thấy iPadOS 16 là hệ điều hành ‘lai’ giữa iOS 16 và macOS Ventura với những tính năng như tùy biến giao diện Home, Passkey đăng nhập không mật khẩu trên Safari,… Tuy nhiên, iPadOS 16 vẫn có những điểm nổi bật riêng.
Cụ thể, iPadOS 16 cho phép người dùng sắp xếp các ứng dụng dưới dạng các cửa sổ, có thể xếp chồng lên nhau và thực hiện thao tác kéo thả để thay đổi vị trí hoặc điều chỉnh kích cỡ cửa sổ.
Apple cũng phô diễn khả năng làm việc kết hợp trên hệ điều hành này, cho phép người dùng chia sẻ trực tiếp một bảng tính trong các ứng dụng văn phòng như Pages với cộng sự để cùng tham gia chỉnh sửa tài liệu. Để dễ hình dung, tính năng này gần tương tự như cách Google đang áp dụng cho Docs và Sheets. Các ứng dụng có thể cộng tác và chia sẻ gồm Files, Keynote, Numbers, Pages, Notes, Reminders và Safari.
Một ứng dụng bảng trắng mới có tên là Freeform cũng được hé lộ. Trên ứng dụng này, người dùng iPad có thể chia sẻ ý tưởng với đồng nghiệp bằng cách ghi chú với Apple Pencil, chèn các định dạng tài liệu như PDF, hình ảnh hay đường dẫn.
Trên hết, Táo khuyết còn đặc biệt nhấn mạnh rằng họ đang tìm mọi cách để đưa iPadOS tiến gần đến trải nghiệm trên máy tính để bàn, hai tính năng sẽ sớm khả dụng gồm xem kích thước thư mục và đổi đuôi file.
Apple sẽ phát hành bản thử nghiệm iPadOS 16 cho các nhà phát triển ngay từ hôm nay và dự kiến phiên bản chính thức sẽ đến tay người dùng vào mùa thu. Dù vậy, cũng cần lưu ý rằng iPadOS 16 chỉ được hỗ trợ trên iPad thế hệ thứ 5 trở lên, iPad mini thế hệ thứ 5 trở lên, iPad Air thế hệ thứ 3 trở lên và tất cả các phiên bản iPad Pro.
7. watchOS 9
Nhân vật chính cuối cùng của WWDC 2022 là watchOS 9, phiên bản hệ điều hành này được giới thiệu với bộ sưu tập ảnh nền mới như thường niên và đi kèm với một số tính năng thể thao mới.
Với bộ hình nền đóng vai trò là mặt đồng hồ, Apple đang đưa vào mặt thiên văn, mặt mặt trăng, mặt Playtime, mặt kiểu chữ Metropolitan. Người dùng cũng có thể cá nhân hóa mặt đồng hồ bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như chỉnh sửa màu nền hoặc đổi kiểu chữ.
Một số chỉ số chạy mới cũng được bổ sung, bao gồm hình thức chạy, độ dài sải chân và thời gian tiếp xúc mặt đất. Một tính năng khác được cho là sẽ giúp ích cho các vận động viên ba môn phối hợp, cho phép chuyển đổi giữa đi xe đạp, bơi lội và chạy bộ.
Đặc biệt, một bổ sung quan trọng trên watchOS 9 là tính năng nhắc nhở uống thuốc đồng bộ với ứng dụng Health. Ngoài khả năng nhắc lịch thông thường, người dùng còn có thể nhập vào tên thuốc và kiểm tra xem liệu có bất kỳ loại thuốc nào mà họ đang dùng có phản ứng ngược với nhau hay không.
Phiên bản hệ điều hành này hiện đã có sẵn bản thử nghiệm, bản chính thức dự kiến sẽ được tung ra vào mùa thu cùng lúc với sự hiện diện của Apple Watch series 8. Apple xác nhận watchOS 9 chỉ tương thích với Apple Watch Series 4 trở về sau.
Bài viết liên quan
- Sự kiện Microsoft Surface: Ra mắt Surface Pro 9, Surface Laptop 5 và Surface Studio 2+ với nhiều nâng cấp ‘cực mạnh’ (13.10.2022)
- Galaxy Unpacked 08/2022: Chính thức ra mắt Z Flip4, Z Fold4, Watch5, Buds2 Pro (11.08.2022)
- Máy tính Surface giá tốt nhất tháng 7, thử vận may tại SurfacePro.vn (07.07.2022)
- Mua máy xinh, rinh ngay quà xịn cùng SurfacePro.vn từ 25/6 (25.06.2022)
- Hè rộn ràng, đón ngàn ưu đãi tại SurfacePro.vn!!! (06.06.2022)