Sau nhiều nguồn tin dự đoán, ngày 21 tháng 4 vừa qua, Apple đã chính thức công bố thiết bị AirTag mới. AirTag có thiết kế hình tròn nhỏ nhắn giúp theo dõi các vật dụng dễ bị thất lạc như chìa khóa, ví tiền,… thông qua ứng dụng Find My.
Giá bán
AirTag mở pre-order vào ngày 23 tháng 4 và chính thức lên kệ vào ngày 30 tháng 4 sắp tới với giá 29 USD cho một chiếc hoặc 99 USD cho gói 4 chiếc.
Mức giá bên trên chưa bao gồm giá phụ kiện. Apple bán riêng các phụ kiện gồm Polyurethane Loop, Leather Loop, Leather Key Ring nhằm trang trí và cá nhân hóa AirTag với mức giá dao động từ 29 – 39 USD.
Trong đó, Polyurethane Loop được hãng mô tả là nhẹ và bền, có sẵn các tùy chọn màu gồm trắng (White), xanh (Deep Navy), vàng (Sunflower), cam (Electric Orange), có giá 29 USD. Leather Key Ring có kết cấu bằng da, đầu còn lại bằng kim loại, được bán với giá 35 USD và gồm các tùy chọn màu nâu (Saddle Brown), đỏ (PRODUCT(RED)), xanh (Baltic Blue). Cuối cùng, Leather Loop có giá 39 USD, gồm 2 tùy chọn màu nâu (Saddle Brown), đỏ (PRODUCT(RED)).
Bên cạnh đó, Apple cũng hợp tác với Hermès và cho ra đời AirTag Hermès, dòng phụ kiện da được làm thủ công bao gồm móc chìa khóa Key Ring, phụ kiện gắn túi Bag Charm và Travel Tag cùng thẻ hành lý Luggage Tag.
Thiết kế
Với cam kết Carbon Neutral tính đến năm 2030, Apple cho ra đời AirTag với bo mạch chính được làm từ 100% chất tái chế, không chứa chất độc hại và có hiệu quả năng lượng cao. Đồng thời, bao bì của thiết bị cũng được làm từ gỗ tái chế và các loại gỗ được cấp phép sử dụng.
AirTag có thiết kế hình tròn mỏng dẹp với đường kính 1,26 inch (31,9 mm), chiều cao 0,31 (8,0 mm), trọng lượng 0,39 ounce (11 gram), pin CR2032 có thể thay thế.
Người dùng có thể tùy ý thêm chữ hoặc biểu tượng cảm xúc vào mặt trên của AirTag dựa trên quy tắc lọc nội dung của hệ thống Apple’s Content Filtering. Theo đó, hãng quy định rằng một AirTag chỉ có thể chứa tối đa 4 ký tự hoặc 3 biểu tượng cảm xúc. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hệ thống Apple’s Content Filtering cũng hạn chế việc người dùng sử dụng các ký tự và biểu tượng nhạy cảm hoặc gây khó chịu.
Tính năng
AirTag được thêm và quản lý bên dưới mục Items trong ứng dụng Find My. Giống như các thiết bị Apple khác, mỗi AirTag sẽ được hiển thị trên bản đồ trong ứng dụng Find My giúp người dùng dõi vị trí của đồ vật cần theo dõi. AirTags kết nối với các thiết bị iOS và macOS thông qua Bluetooth.
AirTag khả dụng trên các iPhone chạy iOS 14.5 và iPad chạy 14.5, bản cập nhật iOS 14.5/iPad 14.5 sẽ được Apple công bố vào tuần sau. Điều này đồng nghĩa rằng các dòng iPhone từ đời iPhone 6S trở về sau đều có thể tương thích với thiết bị theo dõi mới này.
Bên cạnh đó, Apple cũng lưu ý rằng các dòng iPhone 11 và 12 sẽ có thể khai thác tối đa khả năng của AirTag hơn nhờ khả năng tương thích với chip U1. Cụ thể, AirTag được trang bị chip U1 do Apple thiết kế sử dụng công nghệ Ultra Wideband tương thích với các dòng iPhone 11 trở về sau giúp định hướng chính xác và dự đoán khoảng cách đến thiết bị được theo dõi, điều mà những iPhone không hỗ trợ U1 không thể làm được.
Đồng thời, khi người dùng di chuyển, tính năng tìm kiếm chính xác Precision Finding của AirTag còn có khả năng kết hợp với camera, ARKit, gia tốc kế và con quay hồi chuyển (gyroscope) để hướng dẫn người dùng cách đi đến vị trí vật dụng đang được theo dõi bằng phản hồi âm thanh, xúc giác và hình ảnh.
Thiết bị theo dõi này cũng được tích hợp loa âm thanh. Người dùng có thể mở âm thanh thông qua Find My hoặc Siri để tìm nhanh các AirTag bị thất lạc.
Trong trường hợp AirTag bị mất hoặc bị đánh cắp, Find My network có thể nhanh chóng giúp người dùng tìm thấy. Cụ thể, nếu có một người dùng khác kết nối chiếc AirTag đó với thiết bị mới, Find My network sẽ tận dụng lợi thế của hàng trăm triệu thiết bị iPhone, iPad và Mac đang được kết nối để xác định nhanh vị trí của AirTag.
Hơn nữa, với trường hợp AirTag bị rơi, người nhặt được có thể tìm thông tin liên hệ với chủ sở hữu bằng quét nhanh trên các dòng điện thoại thông minh có hỗ trợ NFC.
Ngoài ra, AirTag cũng hỗ trợ các tính năng trợ năng được tích hợp trong iOS. Cụ thể như tính năng VoiceOver hướng dẫn người khiếm thị hoặc người có thị lực kém đi đến vị trí của vật dụng đang ghép nối với AirTag bằng các chỉ dẫn cơ bản như “AirTag is 9 feet away on your left - AirTag cách bạn 9 feet bên trái”.
Thời lượng pin
AirTag được trang bị pin CR2032 có thể thay thế và có thời lượng pin lên đến 1 năm sử dụng. Cần lưu ý rằng đây là thiết bị không có cáp sạc, cổng sạc và không thể sạc lại của Apple
Để thay thế pin mới, người dùng có thể nhấn và vặn vào mặt sau của AirTag. Pin CR2032 là loại pin thường thấy trong máy tính cầm tay, đồng hồ, máy đo đường huyết,… và có bán trên hầu hết các trang thương mại điện tử.
Phạm vi kết nối
Hiện tại, Apple vẫn chưa cung cấp thông tin chi tiết về phạm vi kết nối của AirTag. Tuy nhiên, dựa trên phạm vi kết nối tiêu chuẩn của Bluetooth, có thể xác định AirTag có khả năng kết nối tối đa khoảng 100 mét.
Khả năng chống nước
AirTag có xếp hạng chống nước và bụi IP67. Điều này đồng nghĩa với AirTag có thể chịu được việc ngâm trong nước với độ sâu tới một mét (3,3 feet) trong 30 vòng phút ở điều kiện phòng thí nghiệm.
Với kết quả này, người dùng hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng AirTag khi trời mưa hoặc tiếp xúc với chất lỏng.
Thiết lập AirTag
Tương tự với AirPods, việc thiết lập AirTag cũng hoàn toàn rất đơn giản. Người dùng chỉ cần mở hộp, đưa iPhone lại gần và đợi trong vài giây để hai thiết bị tự động ghép nối.
Sau khi đã được ghép nối với AirTag, người dùng cũng có thể tùy ý đổi AirTag thành một cái tên khác để dễ dàng quản lý hơn.
Quyền riêng tư và bảo mật
Mỗi AirTag được liên kết với một Apple ID và chỉ có chủ sở hữu mới có quyền theo dõi. Apple giải thích trong phần Quyền riêng tư và Bảo mật rằng AirTags sẽ mã hóa tất cả thông tin được gửi đến ứng dụng Find My, không có bất kỳ cá nhân, tổ chức nào (kể cả Apple) có quyền truy cập vào thông tin vị trí ngoài chủ sở hữu AirTag.
Cùng với đó, người dùng có thể nhìn thấy vị trí AirTag bị mất trên bản đồ trong ứng dụng Find My nhưng Apple sẽ không tiết lộ danh tính cụ thể của người nhặt được, thậm chí kể cả Apple cũng không thể nhìn thấy vị trí AirTag bị mất do thông tin được mã hóa dưới dạng End-to-End.
Ngoài ra, Apple cũng đã thiết kế thành công tính năng hạn chế bảo mật nhằm ngăn chặn tình trạng ai đó sử dụng AirTag cho các mục đích theo dõi bí mật hoặc chưa được cho phép.
Cụ thể, nếu một AirTag thuộc quyền sở hữu của người khác nằm trong đồ đạc và đã đồng hành cùng bạn trong một thời gian dài, iPhone của bạn sẽ tự động hiển thị thông báo nhằm cảnh báo phát hiện AirTag ở vị trí lân cận, giúp ngăn chặn tình trạng ai đó cố tình theo dõi người khác bằng AirTag.
Đặc biệt, nếu AirTag được đặt ở xa vị trí của chủ sở hữu trong vòng 3 ngày, thiết bị này sẽ phát ra âm thanh mỗi khi được di chuyển để cảnh báo về sự hiện diện của nó.
Theo dõi mục Review Sản Phẩm của SurfacePro.vn để xem nhiều bài đánh giá về các sản phẩm mới nhất!
Bài viết liên quan
- iPad Pro 2022 vs Surface Pro 9: Màn đối đầu của tablet 2in1 cao cấp (23.12.2022)
- Surface Pro 9 vs Surface Pro X: Mới hơn liệu có tốt hơn? (09.12.2022)
- Top 5 tablet tốt nhất cho việc ghi chú viết tay (30.11.2022)
- Surface Laptop 5 vs Surface Laptop Go 2: Ngôi sao của hai phân khúc! (26.11.2022)
- Surface Laptop 5 có gì khác Surface Laptop 4? (19.11.2022)