Surface Laptop Studio vs Surface Laptop 4: Đều khủng, nhưng không khó để lựa chọn

Surface Laptop Studio vs Surface Laptop 4: Đều khủng, nhưng không khó để lựa chọn

02-01-2022 Lượt xem: 3,419

Không chỉ khác nhau trong ngôn ngữ thiết kế, giữa Surface Laptop Studio và Surface Laptop 4 còn tồn tại một khoảng cách khá lớn khi xét đến giá thành, tính năng và thông số kỹ thuật.

Tuy nhiên, trên một số phương diện, Surface Laptop Studio vẫn khá giống với Surface Laptop 4 và ngược lại, Surface Laptop 4 trong một số khía cạnh cũng nổi bật hơn Surface Laptop Studio.

1. Thông số kỹ thuật

 

Surface Laptop Studio

Surface Laptop 4

Kích thước

32.32 x 22.83 x 1.894 cm

  • 30.8 x 22.3 x 1.45 cm (13.5 inch)

  • 33.95 x 24.4 x 1.47 cm (15 inch)

Màn hình

PixelSense Flow 14.4 inch (2400 x 1600)

  • PixelSense 13.5 inch (2256 x 1504)

  • PixelSense 15 inch (2496 x 1664)

RAM

16GB hoặc 32GB

8GB, 16GB hoặc 32GB

Bộ xử lý

  • Quad-core 11th Gen Intel Core H35 i5-11300H

  • Quad-core 11th Gen Intel Core H35 i7-11370H

13.5 inch

  • Intel Core i5-1135G7

  • Intel Core i7-1185G7

  • AMD Ryzen 5 4680U

15 inch

  • Intel Core i7-1185G7

  • AMD Ryzen 7 4980U

Trọng lượng

  • 1.742 kg (i5)

  • 1.820 kg (i7)

  • 1.7 kg – 1.29 kg (13.5 inch)

  • 1.54 kg (15 inch)

Bộ nhớ

256 GB, 512 GB, 1TB, 2TB

256GB, 512GB, 1TB

Đồ họa

  • Intel Iris Xe Graphics

  • NVIDIA GeForce RTX 3050 Ti (i7)

  • Intel Iris Xe Graphics

  • AMD Radeon

Cổng kết nối

  • 2 x Thunderbolt 4

  • 1x Giắc âm thanh 3.5mm

  • 1 x Surface Connect

  • 1 x USB-A

  • 1x USB-C

  • 1x Giắc âm thanh 3.5mm

  • 1 x Surface Connect

Camera

1080p

720p

Kết nối

  • Wi-Fi 6

  • Bluetooth 5.1

  • Wi-Fi 6

  • Bluetooth 5.0

Giá niêm yết tại hãng

$1599

$1299

2. Thiết kế

Điểm tương đồng dễ thấy nhất giữa hai dòng thiết bị này đó là kết cấu nguyên khối không cho phép tách rời phần bàn phím. Ở chế độ cơ bản, Surface Laptop Studio cũng cho cảm giác khá giống với Laptop 4 nhưng có các góc máy bo cong hơn. Tuy nhiên, ngoài chế độ tiêu chuẩn, Surface Laptop Studio còn cung cấp thêm hai cách tương tác khác, gồm stage mode (đẩy màn hình về phía trước che đi phần bàn phím) và studio mode (giống bản vẽ kỹ thuật số).

Bên cạnh đó, Surface Laptop Studio hiện còn là cái tên duy nhất trong danh mục PC Surface hỗ trợ sạc không dây bút stylus ngay bên dưới phần trackpad, không những thân thiện với môi trường mà còn giúp người dùng dễ dàng đặt để bút khi không sử dụng.

Song, không phải vì vậy mà Surface Laptop 4 mất đi sức hấp dẫn riêng. Surface Laptop 4 có đến 4 tùy chọn màu sắc (gồm Platinum – bạch kim, Ice Blue – xanh băng, Matte Black – đen nhám, Sandstone – hồng vàng), cung cấp cho người dùng nhiều sự lựa chọn hơn Surface Laptop Studio chỉ có một biến thể màu Platinum.

3. Tính di động

Surface Laptop 4 có hai kích thước gồm 13.5 và 15 inch, Surface Laptop Studio hiện chỉ có một kích thước duy nhất là 14.4 inch. Với 3 kích thước khác nhau, khá khó để so sánh một cách chính xác tính di động của hai dòng thiết bị này.

Từ góc nhìn chủ quan có thể thấy cả hai phiên bản 13.5 và 15 inch của Laptop 4 đều nhẹ hơn đáng kể so với Laptop Studio, riêng Laptop 4 13.5 inch còn nhỏ gọn hơn kích thước 14.4 của Surface Laptop Studio. Vì vậy, có thể thấy nếu cần chọn một thiết bị để mang theo trong quá trình dịch chuyển, đặc biệt là những chuyến công tác xa thì Surface Laptop 4 13.5 đang có phần trội hơn.

Trọng lượng cụ thể của Surface Laptop 4 15 là 1.54 kg, nhẹ hơn 1.74 kg của Laptop Studio i5 và 1.82 kg của Laptop Studio i7. Surface Laptop 4 13.5 inch còn nhẹ hơn đáng kể, chỉ giao động ở mức 1.27- 1.29 kg ở tất cả cấu hình.

Dù vậy, Surface Laptop Studio không lớn hơn quá nhiều so với Laptop 4. Studio có kích thước 32.32 x 22.83 x 1.89 cm, chỉ chênh lệch một chút với 30.8 x 22.3 x 1.45 cm của Laptop 4 13.5 inch.

4. Màn hình

Mặc dù khác biệt về kích thước nhưng Surface Laptop 4 và Surface Laptop Studio vẫn có cùng màn hình tỷ lệ 3:2, mật độ điểm ảnh 201 PPI, đều hỗ trợ cảm ứng và tương thích với bút stylus, vừa thích hợp với nhiều ứng dụng sáng tạo và các tác vụ năng suất, vừa đảm bảo được chất lượng hiển thị khi người dùng giải trí.

Tuy nhiên, Surface Laptop Studio có tần số quét lên đến 120Hz, trong khi Surface Laptop 4 bị giới hạn ở 60Hz. Song song với đó, màn hình của Surface Laptop Studio còn hỗ trợ Dolby Vision giúp tăng cường độ tương phản và đi kèm với phần bản lề cho phép chuyển đổi như đã đề cập ở trên. 

Một điểm cần lưu ý khác là Surface Laptop Studio có hỗ trợ tính năng phản hồi xúc giác thông qua bút Surface Slim Pen 2, cho trải nghiệm với bút chân thực và tự nhiên hơn. Trong khi Surface Laptop 4 dù cũng tương thích với Slim Pen 2 nhưng tính năng phản hồi xúc giá không khả dụng trên dòng thiết bị này.

5. Kết nối

Microsoft khá ưu ái Surface Laptop Studio khi trang bị cho thiết bị này 2 cổng Thunderbolt 4, thay vì một cổng USB-A và một USB-C như trên Surface Laptop 4. Thay đổi này không chỉ giúp cải thiện tốc độ truyền tải mà còn phù hợp với xu hướng kết nối hiện đại.

Dù vậy, đó có lẽ cũng không phải là nhược điểm của Laptop 4. Với một chiếc máy được lựa chọn bởi phần lớn là dân văn phòng, cổng USB-A của Laptop 4 được đánh giá là phù hợp vì không khó để bắt gặp các thiết bị ngoại vi chỉ có thể kết nối bằng cáp USB-A tại nhiều công ty.

Đối với kết nối không dây, cả hai đều không hỗ trợ LTE, thay vào đó kết nối Wifi 6 giúp đảm bảo khả năng kết nối mạng ổn định.

Đặc biệt, Surface Laptop Studio còn được tích hợp thêm Xbox Wireless, điều này đồng nghĩa rằng người dùng có thể kết nối Xbox Wireless Controller với độ trễ thấp hơn nhiều so với kết nối qua Bluetooth như trên một số thiết bị khác, bao gồm cả Laptop 4.

6. Hiệu năng

Với mức giá cao hơn, không có gì ngạc nhiên khi Surface Laptop Studio có phần cứng mạnh hơn Surface Laptop 4. Cụ thể, Laptop Studio đi kèm với vi xử H35 thế hệ thứ 11 của Intel, kết hợp với card đồ họa rời RTX 3050 Ti hoặc card đồ họa tích hợp Iris Xe Graphics và lên đến 32GB RAM.

Trong khi đó, Surface Laptop 4 dù cũng được xuất xưởng chạy chip Gen 11th nhưng sử dụng dòng G kém mạnh mẽ hơn, chủ yếu tập trung vào yếu tố tiết kiệm điện năng là chính. Do đó, dù cả hai đều có CPU 4 lõi nhưng H35 trên Studio có thể chạy các tác vụ đa lõi nhanh hơn đến 33%. Đồng thời, chip H35 cũng được thiết kế để xử lý các tác vụ cường độ cao, chẳng hạn như thao tác liên tục trên các ứng dụng sáng tạo.

Một lợi thế lớn hơn nữa của Surface Laptop Studio là GPU, đặc biệt GPU NVIDIA GeForce RTX 3050 Ti trên phiên bản Core i7 không ngán bất kỳ một tác vụ nặng ký nào, kể cả kết xuất video 4K hay gaming ở thiết lập đồ họa trung bình.

Các thử nghiệm thực tế cũng cho thấy Laptop Studio cung cấp hiệu suất CPU và GPU ổn định hơn. Trong Geekbench 5, Laptop Studio có điểm đa lõi là 4781, đơn lõi là 1381, trong khi kết quả của Laptop 4 13.5 lần lượt là 4267,1270. Kết quả Cinebench R23 cũng tương tự, Laptop Studio đạt 5517 / 1414 (đa / đơn lõi), Laptop 4 13.5 đạt 4831 / 1295 (đa / đơn lõi).

Một đại diện khác của Laptop 4 là phiên bản chạy chip AMD Ryzen 5/7, được đánh giá là có sức mạnh CPU không thua kém Laptop Studio, thậm chí còn dẫn trước trong một số bài test nhưng vấn đề của tùy chọn này là việc không có card rời. Do đó, đối với các ứng dụng sáng tạo như Adobe Premiere, Surface Laptop 4 không thể hiện tốt như Laptop Studio i7.

Về RAM, cả hai dòng đều có thể có RAM lên đến 32GB, Surface Laptop 4 có thêm cấu hình cơ bản là 8GB. Trong khi đó, Surface Laptop Studio có bộ nhớ lên đến 2TB, gấp đôi cấu hình cao nhất của Laptop 4.

Do đó, có thể lý giải phần nào lý do khiến Surface Laptop 4 trở thành sự lựa chọn số 1 của dân văn phòng. Cấu hình của dòng thiết bị này chạy tốt mọi tác vụ năng suất hàng ngày và đủ để sáng tạo ở mức cơ bản, nhưng tình trạng bị chậm đi khi xử lý các tác vụ khai thác quá nhiều GPU là khó tránh khỏi. Trong khi đó, là một máy tính chuyên dụng trong lĩnh vực sáng tạo, Surface Laptop Studio mang đến cho người dụng trạng thái tự tin hơn khi chạy bất kỳ một ứng dụng nào, kể cả thỉnh thoảng giải trí với một vài tựa game ở thiết lập trung bình hoặc kết nối với VGA để tận hưởng trải nghiệm gaming không giới hạn.

7. Thời lượng pin

Cả hai chiếc Surface này đều được hãng tuyên bố là có thời lượng pin lên đến 19 giờ hoặc thấp hơn (giao động ở ngưỡng 16 – 18 giờ) tùy thuộc vào cấu hình.

Nhiều bài test pin trên thực tế cho thấy Surface Laptop Studio và Surface Laptop 4 ADM có thời gian hoạt động xấp xỉ nhau, giao động ở mức từ 10 – 13 giờ khi xử lý các tác vụ căn bản với wifi và độ sáng trung bình. Trong khi đó, Surface Laptop 4 Intel thường cạn pin trước đó một giờ.

8. Âm thanh và Camera

Cả hai dòng laptop này đều được tích hợp hai loa Omnisonic hỗ trợ Dolby Atmos ẩn bên dưới bàn phím, riêng Laptop Studio được bổ sung hai loa khác vào cạnh màn hình giúp phát ra ra âm thanh to rõ, sống động hơn.

Surface Laptop Studio một lần nữa vượt qua Laptop 4 nhờ có webcam 1080p, tốt hơn 720p trên Laptop 4. Tuy nhiên, do phục vụ cho mục đích gọi video là chính nên trải nghiệm trên thực tế hầu như cũng không có sự cách biệt đáng kể.

Giống với phần lớn máy tính Surface khác, bộ đôi laptop ra mắt năm 2021 này cũng có một cảm biến IR, cho phép người dùng đăng nhập nhanh và bảo mật bằng nhận diện khuôn mặt vào thiết bị.

Tổng quan

Nhìn chung, cuộc đọ sức giữa Surface Laptop 4 và Surface Laptop Studio là không quá  kịch tính bởi Surface Laptop Studio đã thắng thế ở hầu hết mọi hạng mục, trong đó bao gồm cả sức mạnh CPU và GPU, thiết kế, tính ứng dụng, camera, âm thanh,…

Dù vậy, việc lựa chọn một trong hai vẫn dựa trên nhu cầu sử dụng là chính. Nếu bỏ qua yếu tố sở thích, người dùng có nhu cầu sử dụng thiết bị trên mức bình thường và không đòi hỏi sức mạnh GPU hàng đầu nên lựa chọn Surface Laptop 4. Tuy nhiên, trong trường hợp mong muốn sở hữu một thiết bị có thể khai thác hết khả năng sáng tạo của bản thân và chạy tốt các ứng dụng ngốn tài nguyên hệ thống ở tốc độ ổn định, không có PC Surface nào tốt hơn Laptop Studio tính đến thời điểm hiện tại.

Theo dõi mục Review Sản Phẩm của SurfacePro.vn để xem nhiều bài đánh giá về các sản phẩm mới nhất!

Bài viết liên quan


0915.111111

Chỉ đường

Chat FB

Chat Zalo

0915.111111