Surface Book dù có thiết kế độc đáo cùng mục đích ban đầu thú vị nhưng sau 3 lần nâng cấp, dòng thiết bị này dường như đã đạt đến giới hạn và không thể tái thiết kế một lần nữa.
Do đó, Microsoft đã quyết định tung ra Surface Laptop Studio, phiên bản Surface mới lấy cảm hứng từ Surface Book và kế thừa nhiều nét đặc trưng AIO Surface Studio, có nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa trong tương lai.
Cũng vì lẽ đó mà Laptop Studio đang trở thành phiên bản kế nhiệm, đặt dấu chấm hết cho Surface Book series. Đồng thời, Surface Book 3 vô hình trung cũng đang trở thành một giải pháp thay thế vì có thiết kế lẫn tính năng gần giống với Laptop Studio nhất nhưng đi kèm với mức giá gói gọn, dễ tiếp cận hơn.
Thông số kỹ thuật
Studio Surface Laptop | Surface Book 3 | |
Bộ xử lý | 11th Gen Intel
| 10th Gen Intel
|
RAM | 16GB, 32GB LPDDR4x | 8GB, 16GB, 32GB LPDDR4x |
GPU |
|
|
Bộ nhớ | 256GB, 512GB, 1TB, 2TB SSD (có thể nâng cấp) | 256GB, 512GB, 1TB, 2TB SSD (không thể nâng cấp) |
Màn hình |
|
|
Cổng kết nối |
|
|
Âm thanh |
|
|
Kết nối |
|
|
Camera | Camera 1080p |
|
Touchpad | Precision Haptic | Precision |
Pen | Surface Slim Pen 2 | Surface Slim Pen |
Thời lượng pin |
| Lên đến 17,5 giờ |
Kích thước | 12,7 x 9,0 x 0,7 inch (32,26 x 22,86 x 1,78 mm) |
|
Trọng lượng |
|
|
Thiết kế
Xét về điểm chung, Laptop Studio và Surface Book đều cho phép chuyển đổi giữa nhiều chế độ sử dụng khác nhau, từ laptop, tablet cho đến bản vẽ. Đồng thời, cả hai cũng mang đậm dấu ấn của dòng Surface, chẳng hạn như kích thước khung hình 3:2, tùy chọn màu bạch kim, thân máy magie, logo Microsoft tráng gương,…
Tuy nhiên, phần bản lề cho phép tháo rời màn hình dựa trên cơ chế dây cung của Surface Book đã bị loại bỏ. Thay vào đó, Microsoft đang sử dụng một thiết kế bản lề giống với dòng Studio, không cho phép tháo rời phần màn hình nhưng vẫn có thể điều chỉnh biên độ màn hình bằng cách kéo về phía trước hoặc đẩy về phía sau. Có ý kiến cho rằng bản lề không cho phép tháo rời màn hình trên Laptop Studio là một bước cải lùi. Song, đây vẫn là yếu tố rất khó đánh giá bởi thiết kế có ghi được điểm hay không thường phụ thuộc vào sự nhìn nhận của mỗi người dùng.
Điểm khác biệt thứ hai phải kể đến đó là kích thước màn hình. Trong khi Surface Book đã gắn bó với 13.5 và 15 inch trong nhiều năm qua thì Laptop Studio lại được cho lên kệ với kích thước ở giữa – 14.4 inch. Dù vẫn hơi sớm để đưa ra nhận định nhưng rất có thể kích thước 14.4 inch sẽ trở thành tiền đề để hãng tiếp tục xây dựng các phiên bản lớn hơn trong thời gian tới.
Sự thay đổi về kích thước cũng đang tạo ra khoảng cách khi bàn đến tính di động. Cụ thể, Surface Laptop Studio có trọng lượng là 1,7 – 1,8 kg (tùy SKU) và kích thước tổng thể 12,7 x 9,0 x 0,7 inch (32,26 x 22,86x 1,78 cm), nặng hơn đáng kể so với 1,53 kg và 31,2 x 23,2 x 1,5 - 2,3 cm của model Book 3 13.5 inch nhưng cũng gọn nhẹ hơn nếu so sánh với model 15 inch.
Bên cạnh đó, nhờ phần viền bezel được làm nhỏ và các cạnh bo cong để phù hợp với giao diện của Windows 11, Laptop Studio còn mang đến ấn tượng đầu tiên khá hiện đại và ít góc cạnh. Trong khi đó, các cạnh vuông của Surface Book 3 thường khiến người ta liên tưởng đến một cỗ máy hiệu năng dành cho phái mạnh và hơi kén người dùng nữ.
Tuy nhiên, nếu màu sắc là một trong những yếu tố tiên quyết khiến người dùng lưu tâm khi chọn mua sản phẩm mới, Surface Book 3 và Surface Laptop Studio có lẽ đều sẽ gây thất vọng. Cả hai thiết bị chỉ có một tùy chọn màu duy nhất (Platinum – Bạch Kim), khác hẳn với bảng màu đa dạng lên đến 4 tùy chọn của Surface Laptop 4 và Surface Laptop Go có giá thấp hơn.
Màn hình
Surface Laptop Studio gần như đang dẫn trước Surface Book 3 về mọi mặt. Song, chất lượng màn hình sẽ là điểm mà người mua cân xem xét kỹ.
Về cơ bản, cả hai model của Surface Book 3 đều có độ phân giải và mật độ điểm ảnh cao hơn Surface Laptop Studio. Cụ thể, phiên bản 13.5 gây ấn tượng với 3000x2000 (267 PPI), phiên bản 15 inch chỉ hơi kém cạnh một chút với 3240x2160 (260 PPI). Trong khi đó, Laptop Studio bị giới hạn ở độ phân giải 2400x1600, mật độ điểm ảnh 201 PPI. Sự chênh lệch này thường sẽ không tạo ra sự khác biệt khi người dùng lướt web hoặc làm việc với các ứng dụng văn phòng nhưng sẽ có đôi chút chênh lệch khi chơi game, chạy các ứng dụng sáng tạo hoặc xem đa phương tiện.
Bù lại, màn hình trên Laptop Studio hỗ trợ tần số quét lên đến 120Hz, công nghệ đang được yêu thích trên các dòng smartphone thế hệ mới. Microsoft cho biết thiết bị sẽ được cài đặt mặc định ở 60Hz để tiết kiệm năng lượng nhưng người dùng có thể tùy chỉnh lên 120Hz thông qua ứng dụng Settings bất cứ khi nào để có tốc độ cuộn mượt hơn.
Bàn phím và Touchpad
Microsoft đã hoán đổi Precision touchpad có trên Surface Book 3 bằng Precision Haptic touchpad mới cho Laptop Studio. Nói một cách đơn giản, bàn di chuột của Laptop Studio sẽ không chuyển động như trên Surface Book 3. Thay vào đó, nó sử dụng động cơ xúc giác để mô phỏng cảm giác rung, giống với cơ chế hoạt động của trackpad trên các dòng Apple MacBook mới. Nhìn chung, đây là một nâng cấp đáng hoan nghênh và cũng là thay đổi mà các tín đồ Surface đã kỳ vọng từ lâu.
Xét về bàn phím, Laptop Studio không sở hữu phím kim loại như Book 3 mà đi kèm với một hệ thống phím khá giống với Laptop 4. Đồng thời, màu phím đậm hơn màu của trackpad và phần kê tay trên Laptop Studio cũng là một trong những điểm khác biệt dễ thấy nhất giữa hai thiết bị này.
Bút điện tử
Surface Laptop Studio tương thích với Surface Slim Pen thế hệ thứ 2 có hỗ trợ Haptic Touch, mang đến cảm giác viết, vẽ, điều hướng chân thực hơn Surface Pen trên Book 3 và cả Surface Slim Pen trên Surface Pro X.
Đặc biệt, trong khi Surface Pen sử dụng pin AAAA không thể sạc lại và thường phải thay mới sau một năm sử dụng thì Slim Pen 2 hiện đã hỗ trợ sạc lại. Đồng thời, người dùng hiện còn có thể sạc không dây thông qua một đế sạc ẩn bên dưới trackpad của Laptop Studio.
Hiệu năng
Các thông số kỹ thuật của Surface Laptop Studio đang tạo ra một bước nhảy vọt so với Surface Book 3, mặc dù Book 3 vốn đã được xếp vào danh mục PC có hiệu năng hạng nặng.
Cụ thể, bộ vi xử lý i5-11300H và i7-11370H của Laptop Studio đang hạ gục cả SKU mạnh nhất chạy chip AMD của model Book 3 15 inch. Đồng thời, NVIDIA RTX 3050 Ti trên Laptop Studio của năm nay cũng là card đồ họa tốt nhất mà Microsoft từng tích hợp cho dòng Surface, thậm chí NVIDIA RTX 3050 Ti cao cấp trên Book 3 cũng không được xem là đối thủ.
Các kết quả thử nghiệm trên thực tế cũng cho thấy việc Microsoft tự tin quảng cáo Surface Laptop Studio là dòng Surface mạnh nhất trong vòng một thập kỷ qua là hoàn toàn có căn cứ.
Ví dụ như trong PCMark10, Surface Laptop Studio lọt vào top 4 cùng Dell XPS 15 OLED (9515), Lenovo Thinkpad X1 Extreme Gen 4 và Razer Blade với kết quả là 4700, bỏ xa 4510 trên Surface Book 3 15 inch.
Trong Geekbench 5.4.1 Pro, Surface Book 3 cũng không thể lội ngược dòng với kết quả là 4016, bị Surface Laptop Studio 5319 dẫn trước hoàn toàn.
Laptop Studio cũng về đích trước người anh em của mình trong thử nghiệm HandBrake chuyển đổi một video 4K 12 phút sang 1080 với thời gian hoàn thành là 12 phút, trong khi Book 3 được ghi nhận là hoàn thành ở phút thứ 19.
Từ các kết quả trên, có thể thấy Surface Book 3 dù vẫn có những màn thể hiện khá ấn tượng, có khả năng hỗ trợ tốt cho các ứng dụng sáng tạo và nhiều tác vụ ngốn CPU, GPU và đáp ứng đủ điều kiện để nâng cấp lên hệ điều hành Windows 11 mới nhưng Laptop Studio đi kèm với những thông số được cải thiện hơn hẳn.
Bên cạnh đó, các tùy chọn liên quan đến RAM và bộ nhớ vẫn không thay đổi. Microsoft vẫn đang sử dụng RAM tối đa 32GB LPDDR4x và hỗ trợ SSD lên đến 2TB trên cả hai dòng.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng SSD trên Laptop Studio là phiên bản có hỗ trợ nâng cấp. Do đó, người dùng có thể nâng cấp lên SSD kích thước lớn hơn khi có nhu cầu sử dụng thay đổi. Microsoft khuyến khích rằng việc nâng cấp nên có sự hỗ trợ của kỹ thuật viên bởi thao tác tháo SSD trên Laptop Studio nhìn chung sẽ khó hơn trên các dòng tablet 2 trong 1 như Surface Pro 8.
Gaming
Surface vốn không phải là một dòng máy tính chuyên gaming. Do đó, việc chạy các game AAA ở cài đặt tuyệt đối cũng khó lòng đáp ứng được kỳ vọng của các game thủ chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, so với Surface Book 3, RTX của Surface Laptop Studio đang khiến cho trải nghiệm chơi game trở nên khả thi hơn.
Trong thử nghiệm kiểm tra hiệu suất thô 3DMark, Laptop Studio ghi được 4615 điểm, ngang ngửa với Dell XPS 14 OLED (9510) và xuất sắc hơn 4484 của Book 3. Với kết quả này, Laptop Studio được đánh giá là phù hợp để chơi các game có cấu hình trung bình - thấp hoặc các game phổ biến ở cài đặt độ chi tiết trung bình.
Cổng kết nối
Laptop Studio đi kèm với hai cổng USB-C có hỗ trợ Thunderbolt 4, một giắc âm thanh 3.5mm và một cổng Surface Connect. Trong khi đó, Book 3 có các tùy chọn cổng nhiều hơn gần 2 lần, bao gồm 2 USB-A, một USB-C, 2 Surface Connect, một giắc âm thanh 3.5mm, một Surface Keyboard và một đầu đọc thẻ SDXC.
Tuy nhiên, nếu để lựa chọn một trong hai, Surface Laptop Studio chắc hẳn sẽ thích hợp với xu hướng hiện tại hơn. Ngoài hỗ trợ kết nối cùng lúc với 2 màn hình ngoài, Thunderbolt 4 còn có băng thông lên đến 40Gbps, có khả năng truyền 7,3GB video chỉ trong 9 giây và còn thương thích với eGPU (external GPU).
Thời lượng pin
Surface Book 3 có một pin 22Wh trong phần tablet và một pin 62Wh ở phần đế bàn phím. Nhờ đó, Microsoft cho biết tablet kết nối với bàn phím sẽ nâng mức pin lên khoảng 85Wh, giúp thiết bị có thể hoạt động trong khoảng 17,5 giờ. Tuy nhiên, thời lượng pin thực tế thường rơi vào khoảng 10 – 12 giờ tùy thuộc vào khối lượng công việc mà người dùng xử lý. Trong PCMark 10 Modern Office, một bài test pin phổ biến chuyên dùng để xử lý các tác vụ thông thường gồm chạy ứng dụng văn phòng, lướt web và tham gia video call, Book 3 có thể chạy liên tục trong 7 giờ 9 phút mà không cần đến bộ sạc.
Với Laptop Studio, Microsoft cho biết thiết bị có pin dung lượng là 56,3WH và có thể hoạt động liên tục trong vòng 18 - 19 giờ. Tuy nhiên, các bài test pin trên thực tế cũng có sự chênh lệch. Trong thử nghiệm test pin tương tự với Book 3, Laptop Studio được ghi nhận là có thời lượng 11 giờ 19 phút. Con số này cũng giảm xuống đáng kể khi chạy các tác vụ tiêu tốn nhiều GPU.
Camera và Âm thanh
Loa thường là điểm yếu và bị các nhà sản xuất phớt lờ trên các dòng laptop. Tuy nhiên, với Surface Book 3 và Laptop Studio, người dùng sẽ không cần phải băn khoăn về vấn đề đó.
Surface Book 3 sử dụng 2 loa âm thanh nổi được đặt trên phần tablet, cung cấp chất lượng âm thanh thích hợp để nghe nhạc, xem đa phương tiện và gaming. Nhờ thiết kế này, ngay cả khi tháo rời phần bàn phím để sử dụng ở chế độ tablet, chất lượng âm thanh vẫn không hề thay đổi.
Trong khi đó, Surface Laptop Studio được nâng cấp lên 4 loa có Omnisonic hỗ trợ Dolby Atmos chất lượng hơn, cung cấp mức âm lượng vượt trội trong cả những không gian mở. Đặc biệt, nhờ hai loa được đặt bên dưới bàn phím, âm thanh phát ra được Microsoft mô tả là sẽ hướng thẳng lên phần màn hình và vọng lại ở phía người dùng, giúp cung cấp trải nghiệm tập trung hơn.
Chất lượng webcam đã trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu do nhu cầu học tập, làm việc từ xa tăng cao và Microsoft chắc chắn cũng không xem nhẹ điều đó. Đều là hai dòng thiết bị có webcam tốt nhất hiện nay, Book 3 đi kèm một camera trước 5MP và một camera sau 8MP. Trong khi đó, Laptop Studio hỗ trợ webcam có độ phân giải 1080p, thích hợp để tham gia các cuộc họp hoặc lớp học trực tuyến trên các nền tảng như Microsoft Teams, Zoom, Google Meets,..
Giá bán
Nếu sự khác biệt giữa yếu tố hình thức và mức hiệu năng không giúp đưa ra quyết định cuối cùng, mức giá có thể sẽ là yếu tố mà người dùng thường cân nhắc tiếp theo.
Dựa trên giá bán mà hãng công bố, có thể thấy mức giá của Laptop Studio không rẻ và Surface Book 3 cũng nằm trong phân khúc tương tự, giao động từ $1.599$ - $3.099,99 (tùy thuộc vào từng SKU) .
Tuy nhiên, Book 3 có một năm tuổi đang được hãng giảm giá cực sâu, chênh lệch từ 500 – 700$ so với mức giá được niêm yết tại thời điểm ra mắt năm 2020.
Tổng quan
Mua Surface Book 3 chưa bao giờ hời như thời điểm này, thiết bị vẫn có hiệu năng đáng kinh ngạc trong phân khúc, thiết kế có một không hai đáp ứng nhu cầu đa nhiệm nhưng với một mức giá hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Song, nếu yêu thích thiết kế có khả năng chuyển đổi linh hoạt, giao diện được tối ưu hóa cho Windows 11 và đang tìm kiếm một phiên bản Surface có sức mạnh hàng đầu, dường như không có một cái tên nào khác có thể thế chỗ Surface Laptop Studio.
Theo dõi mục Review Sản Phẩm của SurfacePro.vn để xem nhiều bài đánh giá về các sản phẩm mới nhất!
Bài viết liên quan
- iPad Pro 2022 vs Surface Pro 9: Màn đối đầu của tablet 2in1 cao cấp (23.12.2022)
- Surface Pro 9 vs Surface Pro X: Mới hơn liệu có tốt hơn? (09.12.2022)
- Top 5 tablet tốt nhất cho việc ghi chú viết tay (03.12.2022)
- Surface Laptop 5 vs Surface Laptop Go 2: Ngôi sao của hai phân khúc! (27.11.2022)
- Surface Laptop 5 có gì khác Surface Laptop 4? (19.11.2022)