Danh mục thiết bị định vị vốn được thống trị bởi Tile đã có thêm nhiều sự bùng nổ vào nửa đầu năm nay với sự góp mặt của hai gã khổng lồ công nghệ - Apple và Samsung.
Ngày 14 tháng 1, Samsung lần đầu tiên công bố Samsung Galaxy SmartTag. Chỉ một thời gian ngắn sau, ngày 21 tháng 4, Apple cũng chính thức cho lên kệ AirTag sau một thời gian dài “úp mở” về dòng thiết bị này với giới truyền thông.
Với cùng một mục đích sử dụng và có thời gian ra mắt gần tương đương nhau, thiết bị theo dõi của ông lớn nào sẽ chiếm ưu thế hơn, bài viết này sẽ đặt Galaxy SmartTag và Apple AirTag lên bàn cân để tìm ra quán quân dựa trên các tiêu chí quan trọng gồm
-
Khả năng tìm kiếm
-
Khả năng tương thích
-
Âm thanh
-
Thiết kế
-
Thời lượng pin
-
Giá bán
Thông số kỹ thuật
|
Apple AirTag |
Samsung Galaxy SmartTag |
Công nghệ |
Bluetooth, UWB (Ultra Wideband) |
Bluetooth, UWB (Ultra Wideband) |
Nền tảng |
iOS |
Samsung Galaxy smartphones |
Phạm vi |
61m |
120m |
Tương thích ứng dụng nhà thông minh |
Không |
Có |
Hỗ trợ âm thanh |
Có |
Có |
Pin |
CR2032 (có thể thay thế) |
CR2032 (có thể thay thế) |
Khả năng chống nước |
IP67 |
IP53 |
Màu sắc |
Silver |
Black, Oatmeal, Pink, Mint |
Tùy chỉnh |
Custom engraving (khắc tên, hình, biểu tượng) |
Không |
Xét trên thông số kỹ thuật, có thể thấy phạm vi kết nối và khả năng tương thích ứng dụng nhà thông minh của Samsung Galaxy SmartTag linh hoạt hơn. Trong khi đó, Apple AirTag chiếm ưu thế hơn ở hạng mục khả năng chống nước và cho phép người dùng khắc tên, hình ảnh hoặc ký hiệu riêng nhằm cá nhân hóa thiết bị.
Khả năng tìm kiếm
Về cơ bản, AirTag và SmartTag đều hoạt động dựa một nền tảng công nghệ có tên là UWB (Ultra Wideband) và đều sử dụng BLE (Bluetooth Low Energy) để duy trì kết nối với thiết bị theo dõi.
Trong đó, BLE được biết đến như một chuẩn kết nối ít hao tốn năng lượng giúp kéo dài thời lượng pin đến mức tối đa trên cả hai thiết bị, UWB đóng vai trò quan trọng trong việc định vị và tìm kiếm chính xác nhất có thể. Nói cách khác, nếu người dùng làm thất lạc một món đồ (có gắn với AirTag hoặc SmartTag), công nghệ được tích hợp sẽ hiển thị vị trí của món đồ lên bản đồ trong ứng dụng Find My (đối với AirTag) hoặc SmartThings (đối với SmartTag) và hướng dẫn người dùng đi đến vị trí đó.
Đối với AirTag, Ultra Wideband hiện chỉ khả dụng trên các dòng iPhone 11 trở về sau. Đồng thời, khi người dùng di chuyển, UWB kết hợp với tính năng tìm kiếm chính xác Precision Finding, camera, ARKit và gia tốc kế còn có khả năng điều hướng người dùng đi đến vị trí của đồ vật bị thất lạc nhanh chóng hơn nhờ hình ảnh la bàn trên màn hình cùng tín hiệu âm thanh.
Riêng Samsung, SmartTag hiện chỉ hỗ trợ BLE và chưa được tích hợp Ultra Wideband (UWB). Để sử dụng UWB, người dùng cần mua một phiên bản cao cấp hơn có tên là Galaxy SmartTag Plus. Cùng với đó, Samsung cũng cho biết rằng UWB trên phiên bản Plus chỉ tương thích với các dòng Galaxy cao cấp nhất hiện tại gồm Galaxy Note 20 Ultra, Galaxy S21 + và Galaxy S21 Ultra.
Đối với phạm vi kết nối, SmartTag được công bố là có phạm vi là 120 mét, AirTag có phạm vi ngắn hơn (khoảng 61 mét). Trên thực tế, kết quả của thuật toán định vị có độ chính xác cao hay thấp phụ thuộc phần lớn vào phạm vi và điều kiện môi trường xung quanh. Trong cùng một thử nghiệm, AirTag được cho là thiết bị đầu tiên bị mất liên lạc khi người dùng đi ra khỏi phạm vi 10 mét, SmartTag cho kết quả khả quan hơn với khoảng cách 40 mét.
Nhìn chung, dựa trên những tính năng cơ bản của một thiết bị định vị, SmartTag và AirTag hầu như đang bám sát nút với các chức năng gần tương tự nhau. Tuy nhiên, AirTag có thêm một số tiện ích bổ sung mà SmartTag không được trang bị.
Cụ thể, bất kỳ ai nhặt được một chiếc AirTag cũng có thể tìm nhanh thông tin của chủ sở hữu bằng cách quét AirTag bằng thiết bị có hỗ trợ NFC (Near-Field Communications) – một công nghệ phổ biến có trên tất cả các dòng smartphone, bao gồm cả smartphone Android. Đồng thời, Apple cũng đã thiết kế thành công một tính năng bảo mật mới nhằm ngăn chặn tình trạng ai đó sử dụng AirTag cho các mục đích theo dõi bí mật hoặc chưa được cho phép. Trong trường hợp kẻ xấu cố tình bỏ AirTag vào balo, đồ vật hoặc vật dụng của một ai đó, iPhone của người đó sẽ tự động hiển thị cảnh báo phát hiện AirTag giúp ngăn chặn sớm hành động theo dõi.
Bù lại, SmartTag cũng có một tính năng mà AirTag không hỗ trợ. Giống như nhiều sản phẩm khác thuộc hệ sinh thái Galaxy, SmartTag cũng tương tích với công cụ nhà thông minh Smart Home. Nhờ đó, người dùng có thể dễ dàng điều khiển các thiết bị khác có hỗ trợ Smart Things trong gia đình như camera an ninh, đèn phòng, rèm cửa,… tất nhiên SmartTag cần phải được kết nối với smartphone trước khi thực hiện các thao tác nói trên.
Khả năng tương thích
Khả năng tương thích là một yếu tố tiên quyết khác cần xem xét khi chọn mua một trong hai thiết bị này. Cần lưu ý rằng chỉ có các thiết bị đến từ nhà Táo mới có khả năng định vị AirTag và chỉ có thiết bị Samsung Galaxy mới có khả năng định vị được Galaxy SmartTag. Cụ thể, Apple AirTag tương thích với ứng dụng Find My chỉ có trên các thiết bị Apple, Samsung Galaxy SmartTag chỉ khả dụng trên SmartThings Find có ở hệ sinh thái Samsung Galaxy.
Dù đã liên tục “trao đổi” ngôi vị ông hoàng smartphone trong nhiều năm trở lại đây với thị phần đứng thứ nhất, thứ hai thế giới nhưng xét đến khả năng tương thích của thiết bị định vị, Apple rõ ràng là đang chiếm lợi thế hơn. Hiện tại, gã khổng lồ công nghệ này chỉ yêu cầu người dùng sử dụng Apple ID để bắt đầu liên kết với AirTag, cho phép tất cả iPhone, iPad, Mac tìm nhanh vị trí của các đồ vật dễ bị thất lạc. Trong khi đó, để Galaxy SmartTag hoạt động, người dùng buộc phải sử dụng thiết bị Galaxy và tài khoản Samsung Account. Điều này đồng nghĩa với việc các thiết bị Android không phải của Galaxy hoặc các thiết bị Android đến từ những thương hiệu khác sẽ hoàn toàn không tương thích. Cùng với đó, đa phần người dùng thiết bị Samsung thường không mở tài khoản Samsung Account mà có xu hướng sử dụng tài khoản Google phổ biến hơn.
Ngoài ra, như đã đề cập ở phần tính năng, AirTag và SmartTag đều vướng phải một số hạn chế khá giống nhau khi xét đến UWB. Tính năng tìm kiếm chính xác Precision Finding có trên AirTag chỉ khả dụng trên các dòng iPhone có hỗ trợ chip U1 (iPhone 11 series, iPhone 12 series), tính năng UWB hỗ trợ công nghệ thực tế ảo AR có trên SmartTag Plus cũng chỉ khả dụng trên Note 20 Ultra, S21+, S21 Ultra, Z Fold 2 và không hỗ trợ những thiết bị Android được sản xuất bởi các bên thứ 3.
Thiết kế
Galaxy SmartTag và Apple AirTag là hai thiết bị khá nhỏ nhắn và phù hợp với “tinh thần” cần có của một thiết bị định vị. SmartTag có kích thước 8x38x8mm, trọng lượng 12 gam, Apple AirTag cũng không chênh lệch nhiều với kích thước và trọng lượng lần lượt là 39.1x 8mm, 11 gam. Trong đó, AirTag có dạng hình tròn (tương tự như một chiếc cúc áo) còn SmartTag có dạng hình thoi.
Xét về kết cấu, AirTag bằng nhôm dù được đánh giá là cho cảm giác cao cấp hơn nhưng cũng dễ bị trầy xướng hơn hẳn. Để khắc phục điểm trừ này, Apple cung cấp thêm hàng loạt các phụ kiện bảo vệ như Polyurethane Loop, Leather Loop, Leather Key Ring,… nhằm chống trầy, nâng cấp tính thẩm mỹ và cá nhân hóa AirTag. Đồng thời, Apple cũng hợp tác với Hermès và cho ra đời AirTag Hermès gồm móc chìa khóa Key Ring, phụ kiện gắn túi Bag Charm, Travel Tag, thẻ hành lý Luggage Tag - dòng phụ kiện da được làm thủ công rất được các tín đồ hàng hiệu săn đón. Trái lại, với chất liệu được hãng mô tả là cao su dẻo, rất khó để làm trầy xước một chiếc Galaxy SmartTag. Cùng với đó, SmartTag còn có một lỗ nhỏ tương tự như một chiếc móc chìa khóa thông thường, cho phép người dùng gắn thiết bị này vào bất kỳ đồ vật nào mà không cần mua thêm phụ kiện.
Tuy nhiên, Custom engraving là một điểm thú vị mà SmartTag đến từ Samsung không được trang bị. Dựa trên quy tắc lọc nội dung của hệ thống Apple’s Content Filtering, người dùng một lần nữa có thể tạo nên điểm nhấn cho riêng mình với AirTag. Theo đó, Apple quy định một AirTag có thể chứa tối đa 4 ký tự hoặc 3 biểu tượng cảm xúc tùy ý. Tuy nhiên, các ký tự và biểu tượng nhạy cảm hoặc gây khó chịu cũng sẽ bị hạn chế bởi hệ thống này.
Về độ bền, AirTag đạt khả năng chống nước IP67, cao hơn IP53 trên Samsung SmartTag. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích cũng có lưu ý cho rằng khả năng chống nước nói trên trên thực tế chỉ phù hợp để sử dụng khi trời mưa, trong nhà tắm,… Đồng thời, người dùng vẫn nên tránh tối đa việc làm thiết bị bị rơi vào nước hoặc bị ngâm trong nước.
Âm thanh
Dù đều được trang bị loa tích hợp, cho phép phát ra âm thanh âm thanh thông qua Find My và Siri (đối với AirTag) hoặc thông qua SmartThings Find (đối với Galaxy SmartTag) giúp người dùng xác định nhanh vị trí của vật dụng nhưng dựa trên công cụ đo âm thanh của ZONEofTECH, SmartTag được cho là có mức âm lượng cao hơn.
Theo đó, AirTag có khả năng phát ra âm thanh ở mức 70 – 80dB, trong khi SmartTag có thể phát ra âm thanh ở mức âm lượng cao hơn, lên đến 85 – 95 dB. Ngoài ra, do loa ẩn bên trong lớp vỏ nên AirTag cũng bị hạn chế về mặt âm lượng so với loa âm thanh được bố trí ngay cạnh bên của SmartTag.
Thời lượng pin
Khác với loại pin có thời lượng lên đến 3 năm sử dụng nhưng không thể thay thế trên thiết bị theo dõi Tile ra mắt sớm hơn, AirTag và Smart Tag được trang bị pin CR2032 có thể thay thế, có thời lượng lên một năm sử dụng.
CR2032 là loại pin được sử dụng phổ biến trên nhiều dòng đồng hồ, remote, đồ chơi, máy đo huyết áp,… có bán trên hầu hết các trang thương mại điện tử. Cùng với đó, giá bán của loại pin này cũng khá hợp lý, chỉ rơi vào khoảng 10 – 20 nghìn VNĐ. Do đó, người dùng hoàn toàn có thể yên tâm về thời gian sử dụng và độ bền của cả hai dòng thiết bị này.
Giá bán
Galaxy SmartTag hiện được mở bán với giá 29,99 USD, SmartTag Plus có giá cao hơn khoảng 10 USD, tương đương với khoảng 40 USD. AirTag cũng có mức giá không chênh lệch nhiều với 29 USD cho một chiếc hoặc 99 USD cho gói 4 chiếc.
Tuy nhiên, do không có vị trí khoét lỗ để gắn vào chìa khóa hay các vật dụng khác giống như Galaxy SmartTag, người dùng AirTag phải mua thêm phụ kiện đi kèm có giá giao động từ 29 – 39 USD.
Tổng quan
Do sự khác biệt về hệ sinh thái cũng như khả năng tương thích, quyết định chọn mua AirTag hay SmartTag sẽ phụ thuộc phần lớn vào dòng máy mà người dùng sẽ liên kết với thiết bị định vị - AirTag chỉ khả dụng trên nền tảng iOS, SmartTag chỉ khả dụng với các thiết bị Galaxy. Do đó, nếu sở hữu iPhone hay iPad, người dùng chỉ có một sự lựa chọn là AirTag của Apple và ngược lại.
Trong trường hợp người dùng đang sử dụng các thiết bị thuộc cả hai hệ sinh thái, việc lựa chọn thiết bị định vị nào sẽ tùy thuộc vào sở thích và thói quen sử dụng.
Yêu thích nét thiết kế cao cấp, mang đậm xu thế thời đại, AirTag khắc ký hiệu cá nhân kết hợp với phụ kiện Hermes chắc chắn sẽ vừa đáp ứng mục đích sử dụng, vừa trở thành một món phụ kiện thời trang bắt mắt. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng phạm vi hoạt động của AirTag hạn chế hơn các thiết bị theo dõi khác, bao gồm cả Galaxy SmartTag.
Ưa chuộng tính khả dụng, không có thói quen bảo quản đồ dùng, không có ý định mua kèm phụ kiện và có sử dụng các thiết bị gia đình tương thích SmartThings, Galaxy SmartTag rõ ràng là một sự lựa chọn tối ưu hơn. Song, điều cần lưu ý khi quyết định mua SmartTag là nếu ngừng sử dụng smartphone Galaxy và chuyển sang sử dụng một thiết bị Android khác, Galaxy SmartTag sẽ trở nên hoàn toàn vô dụng.
Theo dõi mục Review Sản Phẩm của SurfacePro.vn để xem nhiều bài đánh giá về các sản phẩm mới nhất!
Bài viết liên quan
- iPad Pro 2022 vs Surface Pro 9: Màn đối đầu của tablet 2in1 cao cấp (23.12.2022)
- Surface Pro 9 vs Surface Pro X: Mới hơn liệu có tốt hơn? (09.12.2022)
- Top 5 tablet tốt nhất cho việc ghi chú viết tay (30.11.2022)
- Surface Laptop 5 vs Surface Laptop Go 2: Ngôi sao của hai phân khúc! (26.11.2022)
- Surface Laptop 5 có gì khác Surface Laptop 4? (19.11.2022)