Đánh giá Surface Laptop Studio: Thành công vượt qua ranh giới của PC

Đánh giá Surface Laptop Studio: Thành công vượt qua ranh giới của PC

18-10-2021 Lượt xem: 4,571

Trong khoảng thời gian trước năm 2015, đa phần người dùng thường định vị rằng Surface chỉ có một thiết kế duy nhất, đó là bàn phím rời, màn hình cảm ứng, màu bạch kim và chân đế kickstand.

Tuy nhiên, việc Microsoft ra mắt Surface Book thế hệ thứ nhất, mang đến một phiên bản Surface có kết cấu tựa như laptop nguyên khối nhưng cho phép tháo rời phần bàn phím, có thể gập sát xuống mặt bàn giống với các dòng bản vẽ chuyên dụng và cân được các ứng dụng sáng tạo đã giúp thay đổi cách nhìn nhận của người dùng về thương hiệu Surface.

Ít năm sau đó, hãng đã liên tiếp tung ra hai phiên bản kế nhiệm của dòng Book, chú trọng vào những nâng cấp liên quan đến khả năng đa nhiệm, tốc độ xử lý và thời lượng pin.

Tuy nhiên, sự ra đời của Surface Laptop Studio trong năm 2021 này đã chính thức khép lại thời kỳ của Surface Book. Theo Microsoft, Surface Laptop Studio kế thừa tinh thần cũng như nét thiết kế của dòng Surface Book và giống như cái tên của mình, dòng Surface mới này cũng lấy cảm hứng từ AIO Surface Studio có giá chưa bao giờ rẻ của hãng.

1. Thông số kỹ thuật

Hệ điều hành

Windows 11 Home

Kích thước

12.72” x 8.98” x 0.746” (32,328 cm x 22,832 cm x 1,894 cm)

Màn hình

  • Màn hình: 14,4” PixelSense Flow Display

  • Tốc độ làm mới: Lên đến 120Hz

  • Độ phân giải: 2400 x 1600 (201 PPI)

  • Tỷ lệ khung hình: 3: 2

  • Tỷ lệ tương phản: 1500: 1

 

RAM

RAM LPDDR4x 16GB hoặc 32GB

Bộ xử lý

  • Quad-core 11th Gen Intel Core H35 i5-11300H

  • Quad-core 11th Gen Intel Core H35 i7-11370H

Trọng lượng

  • Intel Core i5 models 3.83 lb (1,742.9 grams)

  • Intel Core i7 models 4.00 lb (1,820.2 grams)

Bộ nhớ

256 GB, 512 GB, 1TB, 2TB

Cổng kết nối

  • 2 x Thunderbolt 4

  • 3.5mm headphone jack 

  • 1 x Surface Connect port 

Kết nối

  • Wi-Fi 6: 802.11ax compatible

  • Bluetooth Wireless 5.1 technology

  • Xbox Wireless built-in

Cameras, video và audio

  • Windows Hello face authentication

  • Dual far-field Studio Mics

  • Quad Omnisonic speakers with Dolby Atmos

Đồ hoạ

  • Intel Core i5 models: Intel Iris Xe Graphics

  • Intel Core i7 models: NVIDIA GeForce RTX3050 Ti 

2. Thiết kế

Surface Laptop Studio đang một lần nữa củng cố lại khái nhiệm 2 trong 1, dòng thiết bị đã và đang giúp Microsoft thu về hàng tỷ đô mỗi năm.

Ở chế độ cơ bản, có thể thấy Surface Laptop Studio có thiết kế khá giống với Surface Laptop 4 nhưng sở hữu viền màn hình mỏng và khung máy bo tròn mềm mại hơn. Cũng có đánh giá cho rằng ấn tượng đầu tiên mà dòng Surface này mang lại khá giống với MacBook Pro đến từ nhà Táo.

Không dừng lại ở đó, điểm nhấn tạo nên sức hấp dẫn của Laptop Studio là phần bản lề cho phép thay đổi biên độ của màn hình và chuyển đổi giữa nhiều chế độ khác nhau. Microsoft gọi concept mà Laptop Studio đang theo đuổi là pull-it-forward, tức là chỉ cần đẩy nhẹ để điều chỉnh góc nhìn của màn hình. Chẳng hạn như sử dụng ở trạng thái cơ bản (laptop mode); đẩy màn hình ra phía sau để che đi một phần bàn phím nhưng vẫn lộ trackpad, thích hợp để xem phim hoặc tham gia các cuộc gọi video (stage mode); hoặc đẩy màn hình xuống sát mặt bàn và che đi toàn bộ bàn phím để sử dụng tương tự như một bản vẽ chuyên dụng, tính năng được yêu thích trên dòng Surface Studio (studio mode).

Surface Laptop Studio có trọng lượng 4 pound (1,8kg), không được xếp vào danh mục thiết bị 2 trong 1 có tính di động cao nhưng cũng không quá nặng nếu so sánh với các dòng ultrabook được yêu thích hiện nay. Bên cạnh đó, dù không có sự chênh lệch lớn về trọng lượng so với Surface Book nhưng do đã được loại bỏ khe hở giữa phần bản lề và bàn phím nên Laptop Studio cũng mang đến cảm giác chắc chắn hơn hẳn.

Kích thước mà Microsoft đang sử dụng trên Laptop Studio là 12,72”x 8,98” x 0,746” (32,328 cm x 22,832 cm x 1,894 cm), màn hình 14.4 inch. Đây là kích thước duy nhất của dòng thiết bị này, không có thêm phiên bản 15 inch hay 13.5 inch đặc trưng của Surface Laptop và Surface Book.

Nhìn chung, thiết kế này đang cho phép Surface Laptop Studio làm được tất cả những thứ mà Surface Book, Surface Pro, Surface Studio phải kết hợp lại với nhau mới làm được. Dù không thể phủ nhận rằng một phần ý tưởng của concept đã từng xuất hiện trên các dòng thiết bị khác, cụ thể như Acer Aspire R7, VAIO Duo 13 hay mới đây hơn là Spectre Folio, ConceptD Ezel nhưng bàn đến chi tiết, thiết kế của Laptop Studio đang đi theo một hướng hoàn toàn khác, nó hoàn thiện, cao cấp và đậm nét Surface hơn.

3. Màn hình

Surface Laptop Studio sở hữu màn hình cảm ứng 14,4 inch, có độ phân giải 2400x1600, mật độ điểm ảnh 201 PPI và tần số quét 120Hz.

Tương tự như tất cả các thiết bị Surface khác, phiên bản Laptop Studio mới cũng có tỷ lệ khung hình 3:2 thay cho tỷ lệ 16:9 phổ biến hơn trên thị trường. Theo Microsoft, tỷ lệ 3:2 lý tưởng để làm việc và tương tác với bút cảm ứng hơn, trong khi tỷ lệ 16:9 thiên về các trải nghiệm giải trí như xem video hoặc gaming.

Bên cạnh những điểm chung và các thông số quen thuộc kể trên, Laptop Studio cũng gây được ấn tượng riêng nhờ viền màn hình mỏng và dễ nhận diện nhất trong dòng Surface. Cụ thể, thay vì chỉ thu nhỏ viền bezel ở hai bên trái phải và giữ nguyên kích thước viền trên dưới như Surface Pro X hay Surface Pro 8, Surface Laptop Studio có cả 4 viền bezel mỏng và đồng đều, tạo cảm giác cực kỳ cân đối.

Xét đến khả năng hiển thị, Laptop Studio cung cấp độ chính xác màu sắc tốt và ấn tượng hơn bất kỳ một dòng Surface nào khác, đạt 100% sRGB, 81% AdobeRGB và 88% DCI-P3. Kết quả này cũng bỏ xa Surface Book 3 97% sRGB, 72% AdobeRGB, 72% DCI-P3 vốn nổi tiếng về khả năng xử lý các ứng dụng sáng tạo.

Độ sáng trên Surface Laptop Studio cũng không có gì phải bàn cãi, đạt tối đa 508 nits, cao hơn con số 500 nits do Microsoft công bố và cũng dẫn trước Book 3 495 nits. Đồng thời, màn hình này cũng được đánh giá là khá lý tưởng để sử dụng trong những môi trường thiếu ánh sáng nhờ có độ sáng tối thiểu xấp xỉ 2.0 nits.

Đây cũng là lần đầu tiên Microsoft sử dụng Dolby Vision để tăng cường độ tương phản cho video. Nhờ đó, trải nghiệm xem video trên dòng Surface này sống động và mãn nhãn hơn cả Surface Pro X. 

Một điểm hấp dẫn khác của Surface Laptop Studio đó là tần số quét 120Hz, công nghệ đang được yêu thích trên các dòng thiết bị điện tử thế hệ mới. Microsoft cho biết thiết bị sẽ được thiết lập sẵn ở mức 60Hz để tiết kiệm năng lượng nhưng người dùng sẽ có thể tùy chỉnh lên 120Hz bất kỳ lúc nào thông qua ứng dụng cài đặt để chỉnh sửa video, chạy ứng dụng sáng tạo, gaming hay các tác vụ đòi hỏi tốc độ làm mới cao.

Tuy nhiên, khác với Surface Pro 8, Laptop Studio không được tích hợp cảm biến màu sắc Adaptive color. Microsoft giải thích rằng vì Surface Laptop Studio hướng đến nhóm người dùng sáng tạo vốn chú trọng vào độ chính xác màu sắc và luôn có mong muốn được toàn quyền kiểm soát màu sắc trên thiết bị, nên việc tích hợp Adaptive color không chỉ trở nên vô nghĩa mà còn gây ra những phiền toái không đáng có.

Ngoài ra, Laptop Studio còn hỗ trợ Wake on Touch, một tính năng hơi lạ đối với các tín đồ của nhà Microsoft. Theo mô tả, nó cho phép đánh thức màn hình chỉ với một thao tác chạm, hữu ích khi người dùng đang sử dụng ở chế độ studio và che mất đi nút nguồn trên bàn phím. Ứng dụng Settings trên Windows 11 cũng cho phép tắt hoặc mở tùy ý Wake on Touch bằng cách điều hướng đến Settings > Bluetooth & devices > Touch > Touch.

4. Bàn phím và Trackpad

Bàn phím kim loại từng có mặt trên Surface Book đã không xuất hiện trên Surface Laptop Studio. Thay vào đó, Microsoft đang sử dụng một loại bàn phím có kết cấu và cho trải nghiệm khá giống với dòng Surface Laptop.

Tuy nhiên, hệ thống phím trên Surface Laptop Studio có màu đậm hơn phần kê tay, trackpad và khung máy. Microsoft cũng bổ sung thêm hệ thống đèn nền 4 chế độ, giúp người dùng có thể tương tác với máy dễ hơn trong mọi điều kiện ánh sáng.

Khác với những nâng cấp nho nhỏ đối với bàn phím, trackpad trên dòng thiết bị này đang tạo ra một bước ngoặt mới và cũng được xếp hạng là dòng Surface có trackpad tốt nhất tính đế từ điểm này. Cụ thể, Surface Laptop Studio là dòng Surface đầu tiên có hỗ trợ Haptic Touchpad / Trackpad, hay còn được biết đến với tên gọi tính năng hỗ trợ xúc giác. Do đó, bản thân bàn di chuột này sẽ luôn ở trạng thái tĩnh và không có di chuyển vật lý khi nhấp vào. Thay vào đó, động cơ xúc giác đặc biệt bên dưới bàn di chuột sẽ rung để tạo cảm giác như đang nhấp chuột, tương tự như trackpad trên MacBook của Apple. Laptop Studio cũng cho phép người dùng tùy chỉnh mức độ phản hồi của trackpad thông qua ứng dụng Settings.

5. Cổng kết nối

Laptop Studio là một trong hai thiết bị đầu tiên thuộc dòng Surface được Microsoft tích hợp Thunderbolt. Trước đó, hãng đã nhiều lần từ chối chuẩn kết nối này do liên quan đến vấn đề bảo mật.

Cụ thể, Microsoft cho biết hai cổng Thunderbolt 4 của Surface Laptop Studio có khả năng truyền 7,3GB video chỉ trong 9 giây, người dùng còn có thể yên tâm kết nối thiết bị với GPU bên ngoài (eGPU) nếu có nhu cầu.

Ngoài ra, thiết bị vẫn sở hữu hai tùy chọn cổng kết nối quen thuộc của dòng Surface, bao gồm một cổng sạc Surface Connect từ tính và một giắc âm thanh 3.5mm.

Tuy nhiên, việc bổ sung Thunderbolt 4 và tái thiết kế cũng đã khiến Laptop Studio bị cắt giảm đi 4 tùy chọn cổng gồm 2x USB-A, 1x Surface Keyboard cùng 1x Full-size SDXC từng xuất hiện trên Surface Book 3.

6. Camera và Âm thanh

Trong một đến hai năm trở lại đây, đa phần người dùng đều phải dành khá nhiều thời gian để tham gia vào các cuộc gọi video do nhu cầu học tập, làm việc từ xa tăng đột biến. Do đó, việc cải thiện webcam và hệ thống âm dường như cũng đang trở thành quy định bất thành văn cho bất kỳ một hãng sản xuất nào.

Đối với Laptop Studio, Microsoft đã trang bị một camera 1080p ở mặt trước, không chỉ hỗ trợ tốt các cuộc gọi video mà còn được đánh giá là cung cấp màu sắc, độ sáng và độ tương phản vượt trên mức trung bình.

Bên cạnh camera là một cảm biến IR đặc trưng của dòng Surface, cho phép đăng nhập vào Windows bằng nhận diện khuôn mặt, đi kèm với đó là Studio Mics thích hợp để học trực tuyến hoặc hội họp từ xa.

Laptop Studio được tích hợp 4 loa có Omnisonic hỗ trợ Dolby Atmos, cung cấp chất lượng âm thanh vượt trội ngay cả ở những không gian mở. Trong đó, 2 loa được đặt bên dưới bàn phím giống với Surface Laptop 4 và 2 loa còn lại nằm ở hai cạnh bên.

7. Hiệu năng

Microsoft đang quảng cáo Surface Laptop Studio là phiên bản Surface mạnh nhất trong vòng một thập kỷ qua. Và các thử nghiệm trên thực tế cũng đang cho thấy lập luận này của hãng là không ngoa.

Cụ thể, Laptop Studio được phát hành đi kèm với hai tùy chọn bộ xử lý gồm Quad-core 11th Gen Intel Core H35 i5-11300H và Quad-core 11th Gen Intel Core H35 i7-11370H, đi kèm với đồ họa Intel Iris Xe và NVIDIA GeForce RTX 3050 Ti.

Trong test đo hiệu suất thô của CPU Cinebench 23 (không bao gồm GPU), dòng thiết bị này đạt hiệu suất đơn lõi 1500 và đa lõi là 5491, dẫn trước tất cả những cái tên nổi bật của dòng Surface như Pro 8, Laptop 4, Book 3,…

Trong PCMark 10 đo hiệu suất tổng thể của cả CPU và GPU khi chỉnh sửa hình ảnh và video, Laptop Studio cũng tỏ ra vượt trội với kết quả 5746, dẫn trước nhiều dòng ultrabook như Surface Laptop 4 15 inch 5167, HP ENVY 14 5236, Dell XPS 13 (9310) 5136 và bám sát nút với các dòng gaming laptop như Razer Blade 15 (2021) chạy chip i7 5761,...

Trong 3DMark Night Raid đòi hỏi nhiều GPU hơn, Laptop Studio vươn lên đầu bảng với 26927 điểm. Tuy nhiên, phép so sánh này có hơi khập khiễng do các thiết bị còn lại đều sử dụng card đồ họa tích hợp.

Đặt Surface Laptop Studio lên một bàn cân thích hợp hơn, so sánh khả năng xử lý đồ họa với các PC có card rời trong 3DMark Time Spy, phiên bản Surface này cũng không gây thất vọng và được cho là vượt xa XPS 15 (9500) thế hệ mới nhất chạy GTX 1650 Ti. Tuy nhiên, nó vẫn không thể theo kịp HP OMEN 15 hay Razer Blade 14 và 15 chuyên gaming.

Một điểm mạnh khác của Laptop Studio là khả năng lưu trữ. Microsoft thường cung cấp hiệu suất SSD tầm trung, nhưng Surface Laptop Studio đang vươn lên hàng top với khả năng đọc 3500 MB/s không thể ấn tượng hơn và khả năng ghi 3225 MB/s đánh bại cả Apple MacBook Pro (M1).Các SKU của Laptop Studio đang đi kèm với 2 tùy chọn RAM gồm 16GB - 32 GB và hỗ trợ SSD có thể nâng cấp lên đến 2TB.

Do đó, dù là chạy các ứng dụng văn phòng, sáng tạo nội dung, xử lý hậu kỳ, chạy cùng lúc nhiều ứng dụng hạng nặng hay làm các công việc liên quan đến nghiên cứu, hầu như không hề có một tác vụ nào có thể làm khó dòng Surface này.

8. Gaming

Dù không được thiết kế để phục vụ cho mục đích chơi game tuy nhiên SKU được tích hợp GPU RTX của Surface Laptop Studio đang nhận được nhiều đánh giá khá tích cực.

Cụ thể, trong 3DMark test đồ họa và khả năng gaming, Laptop Studio đạt kết quả 4615 rất khả quan, chỉ chênh lệch một chút so với Dell XPS 15 OLED (9510) 4676. Do đó, việc chơi game các thông thường ở độ phân giải trung bình thấp là không có gì phải lăn tăn.

Tuy nhiên, việc bắt kịp với khả năng cân mọi game AAA ở cài đặt tuyệt đối của RTX 3070 có trên Razer Blade 14 là điều dường như không thể, bởi mỗi dòng RTX đều phục vụ cho mỗi mục đích khác nhau. Thử nghiệm chơi Destiny 2 ở độ phân giải 2400x1600, Laptop Studio đạt tốc độ 46-65 fps với cài đặt đồ họa trung bình và đạt 70-95 fps khi giảm xuống Full HD 1920x1200 với tần số quét 120Hz. Thiết bị cũng mang đến trải nghiệm khá thú vị ở tốc độ 120 fps đối với Split Gate và 47 fps với Shadow of the Tom ở cài đặt nâng cao.

9. Thời lượng pin

Microsoft tuyên bố Laptop Studio có dung lượng pin 56,3WHr và có thể hoạt động liên tục trong vòng 19 giờ.

Tuy nhiên, con số trên thực tế luôn có sự thay đổi phụ thuộc vào độ sáng, tốc độ làm mới và cả các tác vụ đang chạy trên màn hình.

Thực tế, Laptop Studio vượt qua PCMark 10 Modern Office tập trung xử lý các tác vụ văn phòng gồm duyệt web, tham gia gọi video, soạn thảo văn bản và xử lý bản tính với kết quả là 11 giờ 41 phút ở tần số quét 60Hz, giảm xuống còn 11 giờ 19 phút ở 120Hz.

Trong bài kiểm tra thời lượng pin khắc nghiệt hơn, Surface Laptop Studio có thể chơi game liên tục trong 2 giờ 6 phút ở tần số quét 120Hz, độ sáng 50%, hiệu suất tối đa và không bật tính năng tự động điều chỉnh ánh sáng màn hình.

Surface Laptop Studio cũng mang đến một tính năng mới khác liên quan đến cấu hình nguồn. Cụ thể, khi được cắm sạc, chế độ Best Performance sẽ tự động bật lên. Nhưng khi ngắt kết nối với nguồn, thiết bị sẽ tự đi vào chế độ Recommended (cân bằng giữa hiệu năng và năng lượng). Tất nhiên, người dùng vẫn có thể thiết lập tùy ý trong ứng dụng cài đặt.

Tuy nhiên, điều không thể lý giải đó là việt Microsoft trang bị bộ sạc Surface Connect 102W cho Surface Laptop Studio, cùng loại với bộ sạc đi kèm với Surface Book 2 thay vì bộ sạc 127W được yêu thích hơn trên Surface Book 3.

10. Độ ồn và Nhiệt

Surface Laptop Studio không tạo ra bất kỳ một âm thanh nào khi chạy các tác vụ thông thường như lướt web, phát video, xử lý ứng dụng văn phòng. Tuy nhiên, các quạt tản nhiệt sẽ thật sự hoạt động và phát ra một chút tiếng ồn nếu người dùng chơi game hoặc làm các công việc ngốn GPU trong một thời gian dài.

Về nhiệt độ, khi hoạt động với cường độ cao, toàn bộ mặt bàn phím sẽ ấm dần lên nhưng không quá nhiệt. Trong các thử nghiệm, nó đạt đỉnh là 104 ° F (40 ° C), thấp hơn một chút so với 108 ° F (42 ° C) trên Pro 8 và 123°F (51°C) trên các dòng gaming laptop.

11. Phụ kiện

Tạm biệt bút Surface Pen sử dụng pin AAAA, bộ sạc có dây của Surface Slim Pen và cả khe đặt – sạc bút có trên Surface Pro X, Surface Laptop Studio đang mang đến những cách tương tác và sử dụng bút điện tử hoàn toàn mới với khả năng tương thích với Surface Slim Pen thế hệ thứ 2.

Đầu tiên, Surface Slim Pen 2 được gắn từ tính vào một rãnh nhỏ bên dưới trackpad, không chỉ giúp cố định bút trong quá trình di chuyển mà còn hỗ trợ sạc không dây. Đây là thiết kế chưa từng xuất hiện trên dòng Surface trước đây.

Thứ 2, Slim Pen 2 đang đi kèm với khả năng phản hồi xúc giác mới. Nói một cách đơn giản, tính năng này đang bắt chước và mô phỏng lại trải nghiệm viết vẽ bằng bút thật trên giấy thật, mang đến cảm giác chân thực hơn hẳn so với Surface Pen và Slim Pen thế hệ thứ nhất.

Ngay cả khi không phải là một nghệ sĩ hay chuyên gia sáng tạo, Slim Pen 2 cũng hỗ trợ tối đa nhờ khả năng chuyển đổi chữ viết tay thành văn bản, hỗ trợ điều hướng, tương tác với các chi tiết nhỏ, ghi chú nhanh lên tài liệu,…

Tổng quan

Sự độc đáo trong thiết kế kết hợp với phần cứng hàng đầu, mức hiệu năng đáp ứng mọi công việc sáng tạo hạng nặng và gần như không phải đánh đổi bất cứ điều gì đang đẩy mức giá của Laptop Studio lên một con số khó tin, thấp nhất khoảng $1.600 và lên đến $3.100 tùy từng SKU.

Do đó, giá cả dường như đang là thách thức duy nhất của dòng Surface được mệnh danh là mạnh nhất này.

Ưu điểm

  • Thiết kế độc, đẹp, tiện ích

  • Hiệu suất hạng nặng

  • Thời lượng pin khủng

  • Màn hình đẹp, tần số quét 120Hz

  • Touchpad tốt nhất dòng Surface

  • Thunderbolt 4

Nhược điểm

  • Giá cao

  • Không có đầu đọc thẻ nhớ

Theo dõi mục Review Sản Phẩm của SurfacePro.vn để xem nhiều bài đánh giá về các sản phẩm mới nhất!

Bài viết liên quan


0915.111111

Chỉ đường

Chat FB

Chat Zalo

0915.111111