Đánh giá Surface Laptop 5: Microsoft chưa dám bước ra khỏi vùng an toàn!

Đánh giá Surface Laptop 5: Microsoft chưa dám bước ra khỏi vùng an toàn!

06-11-2022 Lượt xem: 2,820

Bám sát lịch cập nhật thường niên, năm nay Microsoft cũng tung ra Surface Laptop 5 thế hệ mới trong sự kiện phần cứng tháng 10. Tuy nhiên, thiết kế dường như đã ‘già’ đi sau 4 lần năm lại đã khiến dòng thiết bị này trở nên mờ nhạt, đặc biệt là với các tín đồ đã theo đuổi Surface trong nhiều năm.

Vậy chỉ với con chip mới cùng những nâng cấp về tính năng, Surface Laptop 5 có đủ sức để giữ chân người dùng hay không?

1. Giá bán

Surface Laptop 5 không tăng giá so với Surface Laptop 4, đây là một tin tốt trong thị trường lạm phát khiến đồng tiền mất giá như hiện tại.

Cụ thể, cấu hình cơ bản với kích thước 13.5 inch, chạy chip Intel Core i5, 8GB RAM, 256GB SSD vẫn có giá tại hãng là $1000. Phiên bản mạnh nhất cùng kích thước màn hình với chip Intel Core i7, 16GB RAM, 512GB SSD yêu cầu người dùng phải chi thêm khoảng $700.

Đối với các SKU có màn hình 15 inch, Microsoft niêm yết với giá từ $1300 đến $2400 tùy kích RAM và bộ nhớ, tất cả đều chạy vi xử lý Core i7.

2. Thông số kỹ thuật

Bộ xử lý

Surface Laptop 5 13.5”:

  • 12th Gen Intel® Core™ i5-1235U

  • 12th Gen Intel® Core™ i7-1255U

Surface Laptop 5 15”:

  • 12th Gen Intel Core™ i7-1255U

Đồ họa

Intel® Iris® Xe Graphics

RAM

8GB, 16GB hoặc 32GB LPDDR5x RAM

SSD

256GB, 512GB hoặc 1TB

MÀn hình

13.5 inch:

  • 3:2

  • PixelSense

  • 2256 x 1504

15.0 inch:

  • 3:2

  • PixelSense

  • 2496 x 1664

Kích thước

13.5 inch: 30.8 x 22.3 x 1.45 cm

15 inch:  34.0 x 24.4 x 1.47 cm

Trọng lượng

13.5 inch: 1272 g hoặc 1297 g

15 inch: 1545 g

Thời lượng pin

Lên đến 18 giờ (13.5 inch)

Lên đến 17 giờ (15 inch)

Camera

720p 

Hệ điều hành

Windows 11

3. Thiết kế

Không có lời khen dành cho thiết kế của Surface Laptop 5 mới ra mắt. Dòng sản phẩm này thậm chí không được áp dụng thiết kế viền bezel được yêu thích trên dòng Go có giá thấp hơn mà vẫn sử dụng lại viền 0.4 inch kém hấp dẫn.

Dù phần viền bezel lớn dư chỗ để đưa vào camera lớn hơn nhưng Microsoft đã không làm như vậy. Surface Laptop 5 sử dụng lại camera 720p và được bổ sung cải tiến trên phần mềm, giúp cải thiện chất lượng hình ảnh trong các cuộc gọi video. Các hiệu ứng Studio được Microsoft phát triển cho Windows 11 22H2 không xuất hiện trên thiết bị này, được biết là đến hiện tại chỉ khả dụng với Surface Pro 9 chạy chip ARM. Microsoft cũng đưa vào một cảm biến IR, cho phép người dùng đăng vào thiết bị bằng nhận diện khuôn mặt. Tính năng này hoạt động khá nhạy và chính xác trên thực tế, không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn bảo mật hơn phương pháp dùng mã PIN cũ.

Thay đổi đáng chú ý nhất được thực hiện là tùy chọn màu Sage (xanh lá). Dù vậy, màu Sandstone (xanh băng) cũng chính thức không còn nữa. Các màu sắc mà người dùng có thể lựa chọn gồm Platinum (bạch kim), Sage (xanh lá), Matte Black (đen), SandStone (hồng vàng).

Vẫn có hai kích thước cơ bản là 13.5 và 15 inch, hai tùy chọn bàn phím gồm kim loại và Alcanrata. Riêng bản 15 inch chỉ có một lựa chọn phím kim loại. Cả hai đều được hoàn thiện từ hợp kim nhôm. Thiết kế chung của sản phẩm được làm tối giản hết mức có thể với các cạnh vát cong, điểm nhấn duy nhất là logo Microsoft tráng gương trên mặt lưng, hệ thống loa được đưa vào dưới bàn phím để loại bỏ các khe hở có thể nhìn thấy bằng mắt trên cạnh màn hình, khe tản nhiệt được bố trí bên dưới mặt đế, kết hợp với 4 núm cao su giúp đảm bảo máy không nằm quá sát với mặt bàn.

Khi mở, bàn phím có màu nhạt hơn một chút so với thân máy sở hữu hệ thống keycaps phổ thông có hành trình 1.3mm, đèn nền 3 chế độ ánh sáng cùng trackpad lớn với kích thước khoảng 4.5 x 3 inch nhưng đáng tiếc là nó không hỗ trợ Haptic Feedback như dòng Surface Laptop Studio cao cấp.

Một sự bổ sung nữa mà Microsoft thực hiện trên Surface Laptop 5 là chuẩn kết nối Thunderbolt 4. Thay đổi này cho phép người dùng truyền tải dữ liệu nhanh hơn, xuất dữ liệu ra màn hình 4K và kết nối với eGPU. Toàn bộ cổng gồm USB-C/Thunderbolt 4, USB-A 3.1, giắc âm thanh 3.5 mm và cổng sạc Surface Connect độc quyền. Ngoài sạc bằng cổng từ tính, người dùng cũng có thể sạc máy thông qua cổng USB-C.

Tính di động là một khía cạnh khác mà Surface Laptop luôn nổi trội. Bản 13.5 inch chỉ dày khoảng 1.45 cm và bản 15 inch dày khoảng 1.47 cm. Trong đó, bản 13.5 phù hợp với sinh viên và dân văn phòng nhờ trọng lượng khoảng 1.3 kg đổ lại cho cả hai tùy chọn bàn phím. Dù nặng hơn 1.5 kg nhưng bản 15 inch vẫn là mẫu laptop tương đối nhẹ cân trong phân khúc này.

4. Màn hình

Màn hình của Surface Laptop 5 tiếp tục tuân theo tỷ lệ 3:2 mà Microsoft theo đuổi trong nhiều năm qua, giúp hiển thị nhiều nội dung theo chiều dọc, thuận tiện để xem tài liệu và làm việc với bộ ứng dụng Office mà không cần cuộn chuột liên tục. Cả hai kích thước màn hình đều có cùng điểm ảnh là 201 PPI, bản 13.5 có độ phân giải là 2256 x 1504 pixels và bản 15 inch có độ phân giải là 2496 x 1664 pixels.

Trong quá trình sử dụng thực tế, cả hai phiên bản của Surface Laptop 5 đều được đánh giá là khá sáng, có thể đạt đến 420 nits đối với nội dung HDR và duy trì ở mức trung bình là 392 nits đối với nội dung không phải HDR. Đây cũng là dòng thiết bị phù hợp để sử dụng trong điều kiện thiếu sáng với độ sáng tối thiểu là 0.32 nits. Năm nay, hãng cũng đặc biệt bổ sung thêm công nghệ hiển thị mới là Dolby Vision IQ giúp tối ưu hình ảnh và hiển thị nội dung HDR tốt hơn trong mọi điều kiện ánh sáng.

Dù có một số dự đoán tiền sự kiện ra mắt cho thấy Microsoft sẽ mang công nghệ Dynamic Refresh Rate đã có trên Surface Pro 8 năm ngoái lên Surface Laptop 5 nhưng cũng hơi thất vọng là hãng đã không thật sự làm như vậy. Cụ thể, cũng có màn hình cảm ứng đa điểm 10 điểm và tương thích với mọi dòng bút Surface nhưng Surface Laptop 5 bị giới hạn ở tần số quét 60Hz (hay chính xác hơn là 59Hz). Điều này đồng nghĩa rằng đối với những tác vụ yêu cầu chuyển động cực kỳ mượt như cuộn nhanh qua trang mới, chỉnh sửa hình ảnh hoặc gaming, khả năng hiển thị của Surface Laptop 5 sẽ không thể theo kịp hai dòng tablet 2 trong 1 là Surface Pro 8Surface Pro 9.

5. Hiệu năng

Đối với hai thế hệ tiền nhiệm, Microsoft mở bán song song hai tùy chọn chip là AMD và Intel. Trong đó, các SKU được trang bị bộ xử lý Intel thường được biến đến với hiệu suất đơn luồng mạnh mẽ, xử lý ổn định mọi tác vụ, bao gồm cả các tác vụ đồ họa nặng. Trong khi đó, các SKU chạy chip Ryzen của AMD được lựa chọn nhờ hiệu suất đa luồng tốt, có thời lượng pin dài và hiệu suất của riêng CPU vượt trội nhưng gặp hạn chế về đồ họa.

Tuy nhiên, Surface Laptop 5 mới ra mắt là một ngoại lệ. Trên dòng sản phẩm này, hãng đã tạm thời bỏ qua vi xử lý AMD Ryzen 6000, thay vào đó chỉ tập trung vào Alder Lake Gen 12th từ Intel. Hai chipset được hãng sử dụng thuộc dòng U 15W gồm Intel Core i5-1235U và Core i7-1255U.

Nhìn vào bảng thông số kỹ thuật, có thể nhiều người sẽ thắc mắc về lý do tại sao Microsoft lại chọn chip U-series 15W thay vì các dòng 28W khủng hơn. Song, rõ ràng là hãng có lý do để làm vậy bởi một thực tế phải chấp nhận đó là TDP cao luôn tỷ lệ nghịch với thời lượng pin. Vì vậy, chipset dòng U tiết kiệm điện năng sẽ an toàn hơn cho Surface Laptop 5, vừa cải thiện được hiệu suất tổng thể so với Surface Laptop 4 chạy chip Intel nhưng cũng không bị bỏ xa so với Surface Laptop 4 AMD vốn đã tạo được nhiều kỷ lục về thời lượng pin.

Các bài test hiệu năng thực tế được đo lường bởi PCWorld và các reviewer uy tín khác cũng xác thực rằng quyết định của Microsoft là chính xác.

Chi tiết, trong bài test hiệu suất tổng thể PCMark10 kiểm tra khả năng xử lý các công việc văn phòng, chơi các game phổ thông, CAD, chỉnh sửa ảnh, gọi video,… Surface Laptop 5 đạt 4230 điểm ở cài đặt mặc định, tăng lên 5424 khi ở chế độ hiệu suất cao. Để so sánh, kết quả này có chênh lệch so với con số 4774 từng đo được khi xử lý cùng tác vụ trên Surface Laptop 4 bản mạnh nhất chạy vi xử lý Ryzen 7 4980U.

Trong Cinebench tập trung đo sức mạnh của riêng CPU, bộ xử lý Intel Gen 12th cũng xác định rõ khoảng cách với thế hệ tiền nhiệm Gen 11th, xem chi tiết trong bảng bên dưới. Dù vậy, điều này cũng cho thấy rõ một nghịch lý rằng khả năng xử lý các tác vụ chỉ yêu cầu CPU của Surface Laptop 5 chạy chip Intel Core i7 không phải là đối thủ của Surface Laptop 4 chạy chip Ryzen 7. Chi tiết, Laptop 4 đạt tới 1531 trong thử nghiệm của PCWorld nhưng Laptop 5 chỉ đạt 1359 điểm.

Trong 3DMark đo riêng sức mạnh của GPU, Surface Laptop 5 quay trở lại làm chủ đường đua. Cụ thể, Surface Laptop 5 đạt 1784 trong 3Dmark Time Spy 1.2, vượt trội hơn Surface Laptop 4 với kết quả là 1296.

Một nâng cấp khác không được hãng nhắc đến trong sự kiện ra mắt nhưng vẫn tạo ra sự khác biệt trong quá trình sử dụng thực tế đó là Laptop 5 có bộ nhớ DDR5 nhanh hơn Laptop 4. Kết quả đo được từ CrystalDiskMark 8.0 cho thấy Laptop 5 có tốc độ đọc và ghi lần lượt là 2252MB/s và 1933MB/s. Với cùng một bài kiểm tra, Laptop 4 ghi được kết quả lần lượt là 882.46MB/s, 779.65MB/s.

Nhìn chung, tuy không vượt qua AMD Ryzen trên thế hệ cũ khi xét riêng sức mạnh CPU nhưng xét đến hiệu suất tổng thể cũng như tốc độ xử lý, Surface Laptop 5 vẫn đảm bảo được sự nâng cấp sức mạnh cần có. Với CPU thế hệ mới, đồ họa Iris Xe Graphic tích hợp và bộ nhớ DDR5 hiện đại, Surface Laptop 5 chắc chắn sẽ là dòng sản phẩm thuần laptop bán chạy của năm 2023, đủ mạnh để xử lý các tác vụ văn phòng nhưng cũng cân được nhiều tác vụ liên quan đến đồ họa như thiết kế 2D, quay dựng video và giải trí đa phương tiện.

6. Thời lượng pin

Microsoft không có thói quen tiết lộ kích thước pin bên trong sản phẩm. Trên Surface Laptop 5, hãng cũng chỉ cho biết rằng Surface Laptop 5 bản 15 inch có thời lượng pin là 17 giờ và 18 giờ là thời gian hoạt động của bản 13.5 inch.

Trong quá trình sử dụng các tác vụ hàng ngày trên thực tế, cả hai phiên bản của Surface Laptop 5 có thời lượng pin trung bình là 8-10 giờ tùy thuộc vào độ sáng màn hình cũng như khối lượng công việc mà người dùng thực hiện.

Với bài test phát lặp lại video 4K thực hiện trên cả hai dòng, Surface Laptop 5 cũng có thời gian hoạt động khá dài là 626 phút, hơn khoảng 26 phút so với Laptop 4 dù không có con chip AMD vốn luôn được đánh giá cao về khả năng tiết kiệm điện.

7. Tổng kết

Sau 4 lần lặp lại, thứ mà Microsoft nên làm trên Surface Laptop 5 có lẽ chính là thay đổi thiết kế để bước ra khỏi vùng an toàn chứ không phải đơn thuần là cải thiện hiệu suất như cách hãng đang làm. Dù đánh giá khách quan hay chủ quan, Surface Laptop 5 cũng không phải là bản nâng cấp đáng giá cho những ai đang sở hữu Surface Laptop 4 hoặc Surface Laptop 3.

Vì vậy, nếu là lần đầu tiên mua máy Surface, lời khuyên dành cho hầu hết mọi người là nên lựa chọn Laptop 5. Đây chắc chắn sẽ là dòng laptop thuần Windows tốt nhất tính đến hiện tại của Microsoft, đủ mạnh và linh hoạt để đáp ứng từ nhu cầu văn phòng cho đến sáng tạo bán chuyên nghiệp. Trái lại, với những ai đang dùng Surface Laptop 4 hoặc Surface Laptop 3, việc nâng cấp lên Surface Laptop 5 là chưa thật sự cần thiết.

Theo dõi mục Review Sản Phẩm của SurfacePro.vn để xem nhiều bài đánh giá về các sản phẩm mới nhất!

Bài viết liên quan


0915.111111

Chỉ đường

Chat FB

Chat Zalo

0915.111111